Tuy không thẩm định giá nhưng đã phát hành Chứng thư thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng SCB để thông đồng, hợp thức hóa thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác. Cơ quan điều tra cáo buộc bà Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB.
Còn dư nợ 677.286 tỷ đồng - chủ yếu là nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi
Căn cứ chứng cứ điều tra thu thập xác định, từ 1/1/2012 đến 7/12/2022 Ngân hàng SCB đã cho vay, giải ngân tổng cộng 1.366 khách hàng (gồm 710 cá nhân và 656 tổ chức) trong đó liên quan đến trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm 2.527 khoản (gồm 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức). Tổng số tiền giải ngân hơn 1,06 triệu tỷ đồng.
Đến ngày 17/12/2022 còn 875 khách hàng (gồm 440 cá nhân và 435 tổ chức) vay với dư nợ 677.286 tỷ đồng – trong đó có 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi. Đáng chú ý tất cả các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi. Báo cáo cũng cho biết dư nợ gốc các khoản vay liên quan Trương Mỹ Lan chiếm đến 93% tổng dư nợ gốc.
Để thực hiện các khoản vay, đối với các pháp nhân tổ chức, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các nhân viên, thuê người đứng tên thành lập các pháp nhân “ma”; đối với các cá nhân, Vạn Thịnh Phát chỉ đạo các nhân viên tập đoàn, tìm thuê người nhà nhân viên… đứng tên các khoản vay.
Nguyên nhân của việc “kho” pháp nhân/cá nhân đứng tên vay vốn ngày càng phình to, là để khi kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC sẽ không có dư nợ tín dụng lớn, dễ dàng lập hồ sơ vay.
Kết luận điều tra cho thấy trong số 875 khách hàng (gồm 440 cá nhân và 435 tổ chức), hầu hết đều trình bày là chỉ đứng tên ký chứng từ, hồ sơ, không được thụ hưởng tiền, không biết mình có số nợ SCB rất lớn, tài sản đảm bảo cũng không phải của họ.
Sử dụng các công ty thẩm định giá để cấp Chứng thư thẩm định giá trị tài sản khống
Để Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chiếm đoạt tài sản từ ngân hàng SCB, có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá. Các đối tượng này thông đồng với các đối tượng tại Ngân hàng SCB để phát hành các Chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn của nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát.
Cụ thể, kết luận điều tra cho thấy nhóm lãnh đạo ngân hàng SCB thông qua trung gian để liên hệ với các công ty thẩm định giá, gửi thông tin về tài sản, trị giá tài sản đảm bảo cần định giá theo yêu cầu. Lãnh đạo các công ty thẩm định giá (Giám đốc/Phó Giám đốc), thẩm định viên, cá nhân môi giới tuy không thẩm định giá nhưng đã phát hành Chứng thư thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng SCB để thông đồng, hợp thức hóa thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.
Kết quả điều tra xác định có 7 cá nhân là đại diện pháp luật, thẩm định viên của 5 công ty thẩm định giá có hành vi thông đồng giúp sức cho các đối tượng tại Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống.
Danh sách 5 công ty thẩm định giá liên quan là Công ty Tầm Nhìn Mới; Công ty MHD; Công ty Thiên Phú; Công ty Exim và Công ty DATC.
>>Xem thêm dòng sự kiện Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Bất ngờ số tiền hơn 500.000 tỷ đồng khách hàng gửi tại SCB đến thời điểm khởi tố
Vụ Vạn Thịnh Phát: Đề nghị xem xét lại, tòa nhà Times Square từng được định giá hơn 60.000 tỷ đồng
Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Cục trưởng thanh tra xin giảm nhẹ để về trị bệnh