Chứng khoán

Vụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư của Trương Mỹ Lan đề nghị triệu tập 3 cơ quan Nhà nước đến phiên tòa

Nhật Hà 20/09/2024 07:53

Từ ngày 1/1/2012 - 31/10/2022, Ngân hàng SCB đã thực hiện báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền 3.160 file báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử (từ 1.000 USD mỗi giao dịch).

Tham gia phiên tòa ngày 19/9 xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan) cho rằng cáo trạng có nêu nguyên nhân, bối cảnh phạm tội của các bị cáo có liên quan một số cơ quan Nhà nước, nên luật sư đề nghị HĐXX triệu tập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), Cục Phòng chống rửa tiền và Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước).

Theo Báo Tuổi Trẻ, về đề nghị trên, HĐXX cho biết đã xác định các cơ quan trên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nên đã triệu tập, nhưng những tổ chức này vắng mặt. Trong trường hợp cần thiết, HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập 3 cơ quan này đến tòa.

Theo hồ sơ, quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng đã xác minh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến các giao dịch chuyển tiền quốc tế.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2012 - 31/10/2022, Ngân hàng SCB đã thực hiện báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền 3.160 file báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, giao dịch từ 1.000 USD (hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương) bằng hình thức điện tử.

Trong đó có 313.705 báo cáo giao dịch chuyển đi, nhận về với tổng số tiền hơn 22,2 tỷ USD và 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Đối với 313.705 giao dịch: Trước thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/10/2022), 148 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều không thuộc diện liên quan đến hoạt động rửa tiền, như quy định tại nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 "cơ sở xác định giao dịch chuyển tiền điện tử liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố".

Do đó, Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để xác định trong 313.705 giao dịch chuyển tiền trên có liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền trái phép.

Đối với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ thì không có danh sách 148 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển và nhận tiền, nên Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ đối với việc chuyển tiền của nhóm các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát.

Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) chỉ có nhiệm vụ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của từng ngân hàng, mà không có số liệu giao dịch của từng tổ chức hay cá nhân cụ thể.

Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp của Ngân hàng SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở để phát hiện sự bất thường đối với số liệu tổng hợp về tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.

Như vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền và Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về việc chuyển tiền quốc tế.

>> Chính phủ kỷ luật 3 lãnh đạo Bộ Tài chính ngay trước thềm xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo đã nộp bao nhiêu tiền khắc phục hậu quả?

Vụ Vạn Thịnh Phát: Người giúp Trương Mỹ Lan lừa 26.500 tỷ đồng của 30.744 bị hại bật khóc nức nở trong phiên tòa

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-luat-su-cua-truong-my-lan-de-nghi-trieu-tap-3-co-quan-nha-nuoc-den-phien-toa-249651.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư của Trương Mỹ Lan đề nghị triệu tập 3 cơ quan Nhà nước đến phiên tòa
    POWERED BY ONECMS & INTECH