Xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội là quy định mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, trong đó có xác thực thông qua tên thật, ID hay số điện thoại…
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố công khai Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời đang lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Báo VietNamNet xin chuyển đến bạn đọc các ý kiến đóng góp cho dự thảo này.
Quy định không mới so với thế giới
Ngày 17/7, Bộ TT&TT công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet. Dự thảo được công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Trong đó, đáng chú ý là dự thảo bổ sung quy định mới về việc các mạng xã hội phải xác thực người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký tài khoản.
Thực tế, đây là một quy định không mới, khi hầu hết các nước trên thế giới đều đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác thực người dùng trên mạng xã hội. Bởi khi người dùng ẩn danh lúc tham gia tranh luận sẽ không nghĩ đến hậu quả ngoài đời thật và những ý kiến ẩn danh hoàn toàn có thể gây phương hại đến người dùng khác. Người đăng ẩn danh không phải chịu trách nhiệm về lời nói, khiến họ cảm thấy an toàn dù lan truyền thông tin phỉ báng, quấy rối, hay thực hiện các hành vi lừa đảo.
Trung Quốc đã yêu cầu người dùng phải đăng ký tài khoản mạng xã hội bằng tên thật từ năm 2003, thí điểm tại một số thành phố lớn với mục tiêu chống lại tội phạm mạng bảo vệ trẻ vị thành niên. Tháng 8/2009, các cổng tin tức lớn như Sina, NetEase, Sohu bắt đầu yêu cầu người dùng mới cung cấp tên thật và mã số định danh. Tháng 2/2012, bốn công ty mạng xã hội của nước này bao gồm Sina, Sohu, NetEase, Tencent đặt ra thời hạn 16/3/2012 để người dùng xác minh danh tính. Hiện nay, người dùng mọi nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc đều phải đăng ký tài khoản bằng danh tính thật, bao gồm tên tuổi, số ID do chính phủ cấp, số điện thoại di động.
Năm 2007, Hàn Quốc cũng thi hành luật tên thật trên mạng xã hội, yêu cầu mọi người dùng xác minh danh tính bằng cách nộp mã số đăng ký công dân (RRN) cho ISP. Tại Đức, năm 2011, Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich khi đó cũng ủng hộ chính sách dùng tên thật sau vụ xả súng tại Na Uy. Tại Nga, nước này yêu cầu các nền tảng số phải xác thực người dùng qua số điện thoại. Ấn Độ cũng quy định các mạng xã hội phải thiết lập cơ chế để xác thực danh tính tài khoản người dùng.
Tại Việt Nam hiện nay, các mạng xã hội trong nước cũng như mạng xã hội xuyên biên giới đều đã có yêu cầu người dùng xác thực thông tin cá nhân khi đăng ký bằng email, số điện thoại hoặc căn cước công dân/chứng minh nhân dân. Trong đó, theo Bộ TT&TT, phổ biến nhất vẫn là xác thực bằng email và số điện thoại di động. Các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực người dùng bằng số điện thoại khoảng 30%, bằng email khoảng 30%, chọn 1 trong 2 hình thức email hoặc số điện thoại khoảng 40%.
Đối với các mạng xã hội xuyên biên giới, YouTube hiện cho người dùng xác thực bằng số điện thoại, Twitter sử dụng email, trong khi đó, với Facebook, người dùng có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức. Với một mạng xã hội khác là Tiktok, nền tảng này cho phép người dùng đăng ký bằng hình thức nào thì xác thực thông qua hình thức đó, bao gồm tài khoản mạng xã hội khác, email, số điện thoại.
Sẽ hạn chế được vấn nạn lừa đảo
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), việc xác thực các tài khoản số bao gồm các tài khoản mạng xã hội, mạng chia sẻ, OTT và các dịch vụ online khác là rất cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh. Đặc biệt, khi ngày càng có nhiều hoạt động của người dân đang từng bước chuyển dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thậm chí có rất nhiều những hoạt động, tương tác của người dân đã biến mất trong cuộc sống ngoài đời thực và chỉ còn xuất hiện trên môi trường số.
Theo ông Sơn, việc quản lý, xác minh các tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Điều này góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật như lừa đảo hoặc gây hại cho xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia vào không gian mạng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, sáng lập và CEO của CyRadar cũng cho rằng, việc yêu cầu các mạng xã hội trong đó có Facebook, YouTube hay TikTok xác thực tài khoản người dùng là điều cần làm. Bởi khi người dùng tài khoản thật, họ sẽ có trách nhiệm với những phát ngôn của mình đưa ra, không phải thích nói gì thì nói, hay chửi bới, xúc phạm tổ chức, doanh nghiệp một cách thoải mái…
Ngoài ra, việc xác thực cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế tình trạng lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra một cách tràn lan như hiện nay. Bởi lúc ấy cơ quan chức năng cũng như nền tảng dễ dàng phát hiện và xử lý các cá nhân vi phạm một cách nhanh chóng.
Bà Quyên Phạm, Phó Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam, chia sẻ, xác thực các tài khoản mạng xã hội là một biện pháp rất cần thiết góp phần hạn chế những tiêu cực trên mạng xã hội như lừa đảo, “bóc phốt”, đăng tải những nội dung xấu, độc, vi phạm các chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục. Ở góc độ phát triển kinh tế số thì việc định danh tài khoản cũng sẽ giảm bớt nạn vi phạm bản quyền nội dung số đang rất nhức nhối trên mạng xã hội.
Người kinh doanh trên mạng xã hội: Xác thực bằng số điện thoại là cần thiết
Theo anh Việt Nguyễn, một người có kinh nghiệm về kinh doanh online trên các mạng xã hội và nền tảng thương mại trong nước lẫn quốc tế, việc xác thực người dùng bằng số điện thoại giờ mới làm là quá chậm. Anh cho biết, tại Singapore việc này đã được thực hiện trong nhiều năm qua, khi người dùng kinh doanh trên các nền tảng online thì bắt buộc phải cung cấp số điện thoại di động và nó gắn liền với các giấy tờ xác minh cá nhân như căn cước, ID… Điều này giúp tỉ lệ gian lận qua mua bán trên các nền tảng online giảm thiểu một cách tối đa. Từ số điện thoại đăng ký, khi có gian lận, các nhà chức trách sẽ truy ra manh mối người vi phạm và biện pháp xử phạt thích đáng. Chính vì thế, khi tiến hành mua bán online ở Singapore, dù là các sản phẩm có giá trị cao vẫn rất an toàn.
Theo chuyên gia truyền thông mạng xã hội Nguyễn Ngọc Long, việc yêu cầu người dùng mạng xã hội phải xác thực số điện thoại khi đăng ký tài khoản là một điều nên làm, đặc biệt đối với những người kinh doanh trên mạng xã hội. Bởi với việc xác thực này sẽ hạn chế được nick ảo, spam, lừa đảo, giảm thiểu được tình trạng gian lận khi bán hàng online… Ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, cứ minh bạch là sẽ giảm được các sự cố trên mạng xã hội, giảm được tình trạng dùng nick ảo tấn công, vô tư chửi bới người khác.
Đồng quan điểm, chị Châu Muối, một KOL đang làm review sản phẩm đồ gia dụng trên nền tảng mạng xã hội Tiktok cũng cho biết, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại là điều rất cần thiết, bởi nó sẽ hạn chế được vấn nạn dùng nick ảo để đi seeding hoặc những người núp bóng đi comment với lời lẽ xúc phạm, bạo lực… Bên cạnh đó, việc xác thực thực tế cũng không ảnh hưởng gì đến người dùng.
Trao đổi với VietNamNet, rất nhiều người dùng mạng xã hội hoặc đang kinh doanh trên các nền tảng cũng cho rằng, thực tế việc yêu cầu người dùng sử dụng số điện thoại để xác thực đăng ký tài khoản mạng xã hội không ảnh hưởng gì nhiều đến công việc của họ, đơn giản chỉ là thêm một thao tác và đây là việc nên làm nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội đang nở rộ hiện nay.
Bài 2: Làm sạch không gian mạng
Năm 2024: Người Việt online chủ yếu để lướt mạng xã hội
Sự thật về KOL làm bố đơn thân, bế con đi giao hàng khiến nghìn người xúc động