Bất động sản

Bị 'om' tiền thanh toán hàng chục năm, các nhà thầu mong được 'cứu' khỏi cảnh nợ đọng xây dựng

An Nhiên 03/10/2024 14:00

Chủ tịch VACC mong cơ quan quản lý quan tâm và "cứu" các nhà thầu thoát cảnh nợ đọng xây dựng khi chủ đầu tư "om" tiền thanh toán hàng chục năm.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã gửi báo cáo lên Chính phủ, nêu rõ 4 vướng mắc chính mà các nhà thầu xây dựng đang gặp phải tại các công trình trọng điểm quốc gia. Các vấn đề này chủ yếu xoay quanh định mức đơn giá và cơ chế thanh quyết toán.

Về định mức đơn giá, ông Hiệp cho biết hiện nay các dự án trọng điểm quốc gia đều là dự án đầu tư công, do đó việc thanh toán dựa trên hệ thống đơn giá định mức do Nhà nước ban hành, tuân theo các quy định trong Luật Xây dựng 2024, Luật Đầu tư 2020 và Luật Đấu thầu 2023.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC). Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC). Ảnh: Internet

Tuy nhiên, dù Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã cố gắng cập nhật và bổ sung hệ thống định mức đơn giá theo yêu cầu của thị trường, nhưng do công nghệ và vật liệu xây dựng liên tục đổi mới, hệ thống này vẫn chưa đáp ứng được thực tế, đặc biệt đối với các định mức chuyên ngành như cầu dây văng, khoan cọc nhồi...

Ngoài ra, ông Hiệp chỉ ra rằng bộ đơn giá xây dựng do địa phương công bố thường thấp hơn giá thực tế khoảng 10-15%.

Đơn giá nhân công cũng chỉ đạt khoảng 60-70% mức lương thực tế mà các nhà thầu phải chi trả.

>> Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế 129.000 tỷ tại TP. HCM

Trước thực trạng này, VACC kiến nghị các Bộ, ngành cần khẩn trương rà soát, bổ sung và sửa đổi hệ thống định mức áp dụng cho các dự án trọng điểm. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc linh hoạt và sát với thực tế để tránh gây thiệt hại cho các nhà thầu.

Ông Hiệp cũng đưa ra ví dụ về dự án sân bay Long Thành. Chủ đầu tư đã yêu cầu rút ngắn tiến độ so với hợp đồng đã ký nhưng không điều chỉnh chi phí.

Khi rút ngắn tiến độ, các chi phí về nhân công, ván khuôn, giàn giáo đều tăng vì phải quay vòng nhanh hơn. Ngoài ra, theo định mức ban đầu, hồ sơ thiết kế sử dụng cát đen cho nền nhưng khi thi công lại không có cát đen, buộc phải thay thế bằng cát nhân tạo. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có định mức cụ thể cho loại cát này để lập hồ sơ thanh toán, gây khó khăn cho nhà thầu.

Tình trạng nợ đọng xây dựng khiến nhiều nhà thầu gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Tình trạng nợ đọng xây dựng khiến nhiều nhà thầu gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Do đó, VACC kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đổi mới toàn diện hệ thống quản lý chi phí, không ban hành định mức dự toán chi tiết như hiện nay mà thay vào đó xây dựng hệ thống định mức – đơn giá tổng hợp để xác định giá gói thầu, tổng dự toán và tổng mức đầu tư. Đặc biệt, ông đề xuất từng bước xóa bỏ cơ chế "2 giá" trong ngành xây dựng (giữa công trình vốn Nhà nước và công trình vốn ngoài Nhà nước).

Về vấn đề thanh quyết toán, ông Hiệp cho biết còn nhiều bất bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng.

Thủ tục điều chỉnh hợp đồng và thanh toán khối lượng phát sinh vẫn còn rắc rối, phức tạp.

Nhiều chủ đầu tư thậm chí tạm giữ một phần thanh toán của nhà thầu để chờ quyết toán dự án, kéo dài thời gian lên tới hàng chục năm.

Ông Hiệp lấy ví dụ một gói thầu thi công của một công ty bị giữ lại 27 tỷ đồng trong khi tổng giá trị gói thầu lên tới 300 tỷ đồng.

Trước thực tế này, VACC đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc đảm bảo sự bình đẳng giữa bên giao thầu và nhận thầu, đặc biệt là về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.

Đồng thời, ông Hiệp mong các cơ quan quản lý "cứu" các nhà thầu khỏi tình trạng nợ đọng xây dựng do các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách chậm trễ thanh toán.

Đại diện VACC đề xuất trong phần 20% cuối cùng của hợp đồng, các chủ đầu tư phải có bảo lãnh hoặc chí ít cũng phải xác nhận khối lượng hoàn thành trước khi công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, ông đề nghị tăng mức tạm ứng từ 10% lên 15-20% đối với các gói thầu phải nhập khẩu vật tư. Ông Hiệp cũng nhấn mạnh rằng việc giữ lại nghĩa vụ bảo lãnh chỉ nên thực hiện ở lần thanh toán cuối cùng và cần bổ sung quy định về quy trình xác định, thanh toán khối lượng phát sinh gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VACC còn đưa ra một loạt giải pháp hỗ trợ lực lượng lao động trong ngành xây dựng. Các đề xuất bao gồm khuyến khích lực lượng lao động nông nhàn bằng cách miễn thuế thu nhập cá nhân cho lao động ngắn hạn và điều chỉnh đơn giá nhân công xây dựng, bởi mức đơn giá hiện nay chỉ bằng 60-70% mức lương thực tế.

>> Luật Đất đai 2024: Để được cấp mới sổ đỏ cần những giấy tờ gì?

Du khách Hải Phòng tới mùa vàng Mù Cang Chải, vui chơi ‘thả ga’ chưa hết 2 triệu

Ngôi nhà cũ kỹ dựng bằng loại gỗ đắt nhất thế giới, người mua cọc 22 căn nhà đổi lấy 8 khúc gỗ cũng không đến phần

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bi-om-tien-thanh-toan-hang-chuc-nam-cac-nha-thau-mong-duoc-cuu-khoi-canh-no-dong-xay-dung-d134849.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bị 'om' tiền thanh toán hàng chục năm, các nhà thầu mong được 'cứu' khỏi cảnh nợ đọng xây dựng
POWERED BY ONECMS & INTECH