Bộ trưởng Bộ GTVT nêu nhiều giải pháp tạo đột phá làm các dự án cao tốc
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, thời tiết có thể bất lợi nhưng sản lượng không thể không luỹ tiến. Với nhiều giải pháp linh hoạt đã tạo nên đột phá ấn tượng tại các dự án đường cao tốc.
Sáng 8/9, Bộ GTVT phối hợp với 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức hội nghị Sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã triển khai thực hiện 11/11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86km.
Đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 8/11 dự án, trong đó có 1 dự án BOT, 7 dự án đầu tư công với chiều dài 518km.
3 dự án đang triển khai, trong đó cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành năm 2023, 2 dự án BOT Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến hoàn thành năm 2024.
Các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km với tốc mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km).
Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 – 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến QL1.
Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hoá, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ như: đại dịch Covid-19, khó khăn về vật liệu, biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ,…
Với với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết… Trên công trường của các dự án cao tốc đi qua Bắc miền Trung, hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày - đêm, phát huy tinh thần "đi trước mở đường".
"Nắng đủ thì thi công bê tông nhựa, mưa nhiều chuyển sang làm cầu, cống, hộ lan, biển báo. Thời tiết có thể bất lợi nhưng sản lượng không thể không luỹ tiến. Tinh thần ấy, khí thế ấy, giải pháp linh hoạt ấy đã tạo nên đột phá ấn tượng tại các công trường", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng cũng chia sẻ “rất cảm động trước sự hỗ trợ, tương trợ của các nhà thầu thi công” trong thời gian về đích vừa qua. Dù trong quá trình đấu thầu thì cạnh tranh để giành dự án, nhưng đến giai đoạn nước rút thì các nhà thầu sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.
Bộ trưởng cho biết có những nhà thầu lớn sẵn sàng hỗ trợ máy móc thậm chí hàng trăm nhân lực cho các nhà thầu nhỏ...
Đến nay, đoạn đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An đã hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, nâng tổng chiều dài tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác trên cả nước lên 1.822km.
Từ những khó khăn đã vượt qua, để phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng phải huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Đồng thời bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện; tinh thần như Chính phủ đã quán triệt "khó khăn ở đâu thì giải quyết ở đó, ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, tránh các hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của các dự án.