Cần điều kiện gì để trồng lúa giảm phát thải được hỗ trợ từ 5-15 tỷ đồng?
Các doanh nghiệp và HTX áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính có chứng nhận sẽ được hỗ trợ số tiền từ 5-15 tỷ đồng để mua sắm dây chuyền, thiết bị, công nghệ, bản quyền công nghệ.
Ngày 11/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Nghị định nêu rõ, chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; đầu tư, hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Theo đó, từ 1/1/2025, ngân sách nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa (quy định cũ 1 triệu đồng/ha/năm); hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại (quy định cũ 500.000 đồng/ha/năm, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa);
Hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Với doanh nghiệp, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, giao thông tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Các dự án áp dụng theo quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận; dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; dự án sản xuất hữu cơ được chứng nhận; dự án liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị (phải có diện tích 500ha trở lên) được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 40% nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án để mua sắm dây chuyền, thiết bị, công nghệ, bản quyền công nghệ.
Tương tự, dự án chế biến sản phẩm lương thực, thực phẩm; dự án sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nguyên liệu và sản phẩm công nghệ cao từ lúa, gạo và phụ phẩm lúa, gạo đáp ứng theo quy định pháp luật về công nghệ cao có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên, được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 40% nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án để mua sắm dây chuyền, thiết bị, công nghệ, bản quyền công nghệ.
Nghị định nêu rõ, nguồn vốn, đối tượng, quy trình hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn vốn và thủ tục hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của pháp luật.
Còn với HTX và liên hiệp HTX, theo Nghị định, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao được sử dụng chính sách của Nhà nước theo hướng dẫn của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã.
Hỗ trợ đầu tư cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết để thực hiện một trong các dự án sau tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao: dự án áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận; sản xuất hữu cơ được chứng nhận; liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị. Các dự án nhận hỗ trợ phải có diện tích 100ha trở lên.
Dự án sản xuất, chế biến sản phẩm lương thực, thực phẩm; sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nguyên liệu sản phẩm công nghệ cao từ lúa gạo và phụ phẩm từ lúa, gạo được nhà nước hỗ trợ tối đa 100% vốn đầu tư chi phí xây dựng hạ tầng dự án, mua sắm dây chuyền, thiết bị, công nghệ, bản quyền công nghệ nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án.
>>Từ 1/1/2025 sẽ tăng mức hỗ trợ đối với đất chuyên trồng lúa
Việt Nam lần đầu tiên bán gần 17 tấn khí giảm phát thải CO2 từ lúa
Trồng lúa giảm phát thải: Lợi nhuận tăng, nông dân còn được thưởng tiền mặt