Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho rằng, các ngân hàng mở rộng tín dụng đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro lớn hơn trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng nay (7/12), ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank đã đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ và NHNN.
Theo CEO VPBank, năm 2023 là năm rất khó khăn, đặc biệt là tổng cầu kinh tế thấp do các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, VPBank đã đưa ra ba nhóm giải pháp.
Thứ nhất là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. VPBank là một trong những ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất 11 tháng đầu năm. “Việc tăng tín dụng lớn như vậy là rất rủi ro, là sự dũng cảm của Ban lãnh đạo ngân hàng, chúng tôi chấp nhận “5 ăn 5 thua”, rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, dù đây là những lĩnh vực rủi ro cao. Hiện nợ xấu tại VPBank đã tăng 30% so với cuối năm trước, đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng thương mại”, ông Vinh cho biết.
Giải pháp thứ hai, tối ưu hóa vận hành hệ thống, giảm lãi suất cho vay, giảm phí, giảm thu nhập để hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, tổng mức giảm phí, lãi suất khiến lợi nhuận ngân hàng giảm gần 2.000 tỷ đồng.
Chúng tôi rất chia sẻ với mong muốn của các doanh nghiệp, hiệp hội là cần giảm lãi suất cho vay hơn nữa, song hiện lãi suất đã thấp lắm rồi. Thực tế hiện nay tại VPBank, mức giảm lãi suất cho vay đã lớn hơn mức giảm chi phí lãi. Doanh nghiệp muốn lãi vay giảm thêm song lãi suất huy động đầu vào vẫn cao, chúng tôi đang vay các định chế tài chính nước ngoài bằng USD với lãi suất 5-6%/năm, quy đổi ra VNĐ là trên dưới 10%/năm. Với lãi suất cho vay hiện nay (ngắn hạn 7%/năm, trung dài hạn 8-10%/năm), ngân hàng đang lỗ.
Giải pháp thứ ba, tập trung mở rộng, tạo thuận lợi về điều kiện cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy vậy, mở rộng và tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn. Thực tế, các ngân hàng đang phải chấp nhận đánh cược với nền kinh tế. Nếu nền kinh tế xấu đi, ngân hàng là người chịu trận đầu tiên.
Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thời gian tới, CEO VPBank cho rằng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, với các cơ quan nhà nước, thứ nhất, ngoài thúc đẩy chính sách tiền tệ, cần có các giải pháp khác chứ riêng ngành ngân hàng không thể thúc đẩy được tổng cầu.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Riêng với bất động sản, nếu “gỡ” được pháp lý, giải ngân vốn trong lĩnh vực này sẽ tăng rất nhanh.
Thứ ba, hỗ trợ các ngân hàng trong xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Riêng VPBank cho vay tín chấp gần 100.000 tỷ đồng song rất khó khăn trong thu hồi nợ do cho vay tín chấp có nghĩa ngân hàng “nắm đằng lưỡi”, không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì rất khó thu hồi nợ. Đồng thời, Tổng Giám đốc VPBank cũng đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp xử lý các hội nhóm bùng nợ đang bùng phát hiện nay
Với NHNN, lãnh đạo VPBank kiến nghị một số giải pháp gỡ khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
>> Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống
Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay doanh nghiệp sân sau
Phó Thống đốc NHNN: Không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng