Dự án của cơ quan địa chất làm sụt, lún nhà dân: Lỗi của nhà thầu
Đây là khẳng định của đại diện Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về những vấn đề liên quan đến dự án xây dựng trụ sở làm việc của đơn vị này làm lún, nứt nhà dân.
Cuối tháng 9/2024, Báo Kinh tế & Đô thị có bài viết “Dự án của cơ quan địa chất làm hàng chục nhà dân phải "chống nạng", phản ánh việc 19 nhà dân tại Tổ dân phố số 2, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm bị ánh hưởng bởi Dự án “Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật Liên đoàn Địa chất - Xạ Hiếm" do Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm (thuộc Cục Địa chất Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Theo thống kê, có tất cả 19 nhà dân bị lún, nứt, nghiêng với những mức độ khác nhau. Trong đó, một số hộ bị lún nứt nghiêm trọng, buộc chủ nhà phải đi thuê nơi khác để ở tạm. Để tránh tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, một hệ thống trụ thép chằng chịt được bắt chặt vào các ngôi nhà trông như những chiếc nạng.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã liên hệ làm việc với Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm nhằm trao đổi về một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan khi để ra sự cố nghiêm trọng này.
Đại diện Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm cho biết, sau khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra và xác định, lỗi thuộc về nhà thầu và nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc khắc phục hậu quả.
Khi được hỏi về tổng số tiền đã bỏ ra để khắc phục hậu quả là bao nhiêu, đại diện Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm cho biết hiện chưa thống kê được con số cụ thể. Tuy nhiên, dù chi phí là bao nhiêu thì đơn vị thi công cũng sẽ phải chịu 100%, không dùng bất cứ một đồng ngân sách nào.
“Không lấy một đồng nào từ dự án này cũng như không lấy một đồng nào từ ngân sách” – đại diện Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm khẳng định và cho biết thêm, trước mắt đơn vị thi công sẽ bỏ ra 100% chi phí khắc phục hậu quả sụt, lún nhà dân. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư sẽ làm việc với bên bảo hiểm về việc bảo hiểm công trình, nếu đủ điều kiện thì bên bảo hiểm sẽ chịu một phần chi phí này.
Khi được hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu để xảy ra lỗi nghiêm trọng khi vừa mới thi công công trình, đại diện Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm cho rằng đây là sự cố không mong muốn. Còn trong quá trình lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư đều thực hiện khách quan, đúng quy trình và đúng pháp luật.
Theo đại diện Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, việc quan trọng nhất lúc này là tập trung khắc phục sự cố, đảm bảo đời sống và tâm lý người dân. Trong đó, cần nhanh chóng có giải pháp ổn định địa chất, tránh việc sự cố trở nên nghiêm trọng hơn. Và, giải pháp được đưa ra là cần tiếp tục thi công tầng hầm, sau đó sẽ đánh giá toàn diện lại hiện trạng các công trình nhà dân bị ảnh hưởng trước đó để đưa ra giải pháp tiếp theo.
Sau khi phương án trên nhận được sự thống nhất của các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như sự đồng thuận của các hộ dân, từ giữa tháng 6/2024, khu A của dự án tiếp tục triển khai thi công tầng hầm. Trong quá trình thi công, nhà thầu vẫn thường xuyên quan trắc chuyển vị cừ và không phát hiện những phát sinh ảnh hưởng thêm.
Theo ghi nhận mới nhất của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hiện công trình khu A của dự án đã hoàn thành việc xây tầng hầm và đang bắt đầu triển khai xây dựng các hạng mục bên trên.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc này.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin về vụ việc trên, ngày 8/10/2024, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã đến trụ sở Cục Địa chất Việt Nam để đặt lịch làm việc. Ông Trần Thế Tài – Chánh Văn phòng Cục Địa chất Việt Nam là người trực tiếp tiếp nhận thông tin về nội dung đặt lịch làm việc của phóng viên, đồng thời cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Cục sắp xếp lịch làm việc sớm nhất. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn nửa tháng trôi qua, phóng viên không ít lần liên lạc hỏi về lịch làm việc nhưng Cục Địa chất Việt Nam vẫn chưa sắp xếp được.
>> Xuất hiện vết lún nứt, sạt trượt trên núi Y Sơn ở Bắc Giang