Doanh nghiệp

Hàng loạt thầu phụ Việt Nam cầu cứu vì đối tác Hàn Quốc chây ì trả nợ

Khúc Văn 13/06/2024 11:30

Đứng trước nguy cơ phá sản, hàng loạt nhà thầu Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng vì bị một doanh nghiệp nước ngoài “chây ì” trả nợ. Vụ việc này một lần nữa đã dấy lên hồi chuông cảnh báo doanh nghiệp Việt khi làm ăn với các đối tác nước ngoài.

Nhà thầu khó khăn trầm trọng, đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Các doanh nghiệp thầu phụ Việt vừa có đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng, các hiệp hội doanh nghiệp gồm Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kêu cứu về việc họ bị Công ty TNHH Hitech Vina (địa chỉ 116 Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) chây ì trả nợ dẫn đến mất thanh khoản, nợ lương công nhân, không có tiền xoay vòng vốn, thậm chí, nhiều nhà thầu đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Cùng với việc làm đơn kêu cứu, các nhà thầu này cũng tới trụ sở Công ty TNHH Hitech Vina (địa chỉ 116 Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) căng băng rôn yêu cầu thanh toán công nợ.

Hàng loạt thầu phụ Việt Nam cầu cứu vì đối tác Hàn Quốc chây ì trả nợ
Nhiều nhà thầu Việt Nam tìm đến trụ sở Công ty TNHH Hitech Vina (địa chỉ 116 Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) căng băng rôn yêu cầu thanh toán công nợ. Các nhà thầu cho biết số tiền Hitech Vina nợ họ khoảng 50 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên, các nhà thầu Việt Nam cho biết họ ký kết hợp đồng thi công các hạng mục về điện, ống gió, điều hòa, cung ứng vật liệu cho công trình… với Công ty TNHH Hitech Vina ở các dự án Amkor Technogy (Yên Phong II- Bắc Ninh) và Lotte mall Hà Nội (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội).

Tuy nhiên, khi dự án đã hoàn thiện, các doanh nghiệp cũng đã cung cấp đầy hồ sơ thanh toán và hóa đơn giá trị gia tăng nhưng Công ty TNHH Hitech Vina vẫn chưa thanh toán công nợ cho các doanh nghiệp này.

Theo các nhà thầu, số tiền Công ty TNHH Hitech Vina nợ lại khoảng 50 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bị nợ nhiều nhất khoảng hơn 10 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp khác bị nợ từ 2 – 5 tỷ đồng.

Ông Hoàng Quang Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Hoàng Vượng cho biết công ty của ông bị Hitech Vina nợ hơn 4 tỷ đồng và không có dấu hiệu thanh toán. Hiện công ty đang phải đối mặt nhiều khó khăn.

“Việc chậm trễ trong việc trả nợ của Hitech Vina gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn vốn của công ty, dẫn đến không đủ trả lương cho cán bộ, công nhân trong công ty, kéo theo nguy cơ bị phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín mà doanh nghiệp rất vất vả gây dựng nhiều năm qua", ông Lâm nói.

Một doanh nghiệp khác cũng cho biết, theo hợp đồng ký kết, việc thanh toán sẽ được tiến hành vào ngày 10 hàng tháng. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng nay Công ty TNHH Hitech Vina không thanh toán như thỏa thuận.

“Hiện nay, tôi không thể xoay sở được tiền ở bất cứ đâu. Những kênh vay mượn được như ngân hàng, người thân, cầm cố tài sản, thậm chí vay tín dụng đen tôi đều đã tìm đến. Hàng ngày, lãi mẹ đẻ lãi con, liên tục có người đòi nợ khiến công ty không thể duy trì hoạt động bình thường”, doanh nghiệp nói.

Hàng loạt thầu phụ Việt Nam cầu cứu vì đối tác Hàn Quốc chây ì trả nợ
Đơn kêu cứu của các nhà thầu Việt Nam.

Cùng cảnh ngộ với ông Lâm, ông Phan Văn Hiến, Giám đốc Công ty Hoa Nghĩa cho biết tổng số tiền Công ty TNHH Hitech Vina chưa thanh toán cho ông lên tới gần 8 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp ông rơi vào khó khăn trầm trọng.

Đáng chú ý, ông Hiến khẳng định trước đây việc thanh toán công nợ giữa 2 bên được tiến hành hàng tháng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2023 tới nay, Công ty TNHH Hitech Vina không thanh toán công nợ như hợp đồng ký kết. Trước tình trạng này, doanh nghiệp của ông phải xoay sở đủ cách để trả lương cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và duy trì hoạt động của công ty.

“Chúng tôi vay khắp nơi có thể vay nhưng không xuể, thậm chí còn phải cầm cố nhà cửa, bán đất, bán xe để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi tháng tiền lương nhân công, chi phí hoạt động của công ty lên đến cả tỷ đồng, nếu không thu hồi được công nợ, rất có thể chúng tôi sẽ rơi vào phá sản”, ông Hiến nêu.

>>Lời khai của bà Trương Mỹ Lan về bữa trưa bàn chuyện lừa đảo hơn 30 nghìn tỷ

"Chủ nợ" Hitech Vina… đóng cửa, không làm việc trốn tránh

Các doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ đã nhiều lần tìm đến Công ty TNHH Hitech Vina để đòi nợ nhưng bất thành. Công ty TNHH Hitech Vina đã đổi pháp nhân (chủ sở hữu/người đại diện pháp luật), nhưng pháp nhân mới có dấu hiệu không hợp tác, cố tình chây ì, không thanh toán cho các doanh nghiệp.

Hàng loạt thầu phụ Việt Nam cầu cứu vì đối tác Hàn Quốc chây ì trả nợ
Công ty TNHH Hitech Vina thông báo đóng cửa.

Ông Hoàng Quang Lâm cho biết: “Trong lần trao đổi với pháp nhân mới trước đây, rất vô lý khi người này nói mới đảm nhận chức vụ nên không biết và không giải quyết công nợ trước đây. Việc phủ nhận công nợ, âm thầm chuyển địa chỉ công ty và đóng cửa công ty cho thấy họ có ý định “xù nợ””.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trụ sở Công ty TNHH Hitech Vina thông báo đóng cửa từ ngày 6/6/2024. Trụ sở công ty hiện không có người làm việc.

“Hiện trụ sở Công ty TNHH Hitech Vina đóng cửa, chúng tôi liên lạc để đối thoại, tìm phương án giải quyết với phía công ty cũng không được và họ cũng không đến gặp chúng tôi. Do đó, chúng tôi chỉ còn cách cầu cứu các cơ quan chức năng của Việt Nam”, các doanh nghiệp nêu.

Được biết, Công ty Hitech Vina là pháp nhân hoạt động tại Việt Nam thuộc sở hữu của Hi Korea Co (Hàn Quốc) theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 5452651257, do ông An Jae Woo (quốc tịch Hàn Quốc) làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật từ ngày 25/9/2014. Trong đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 13 ngày 28/5/2024, một người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc tên Park Yong-IL trở thành giám đốc mới, kiêm người đại diện pháp luật của Hitech Vina). Người này đã sa thải toàn bộ nhân viên, đồng thời khóa cửa ra vào công ty.

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hang-loat-thau-phu-viet-nam-cau-cuu-vi-doi-tac-han-quoc-chay-i-tra-no-238470.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hàng loạt thầu phụ Việt Nam cầu cứu vì đối tác Hàn Quốc chây ì trả nợ
POWERED BY ONECMS & INTECH