Muốn chọn nhà thầu Trung Quốc cho dự án đường sắt cao tốc 250.000 tỷ đồng, chuyên gia bất ngờ lên tiếng: 'Không khả thi'
Kỹ sư cơ khí Riaz Rashid, từng tham gia dự án đường sắt Bắc-Nam tại Ả Rập Xê Út, cho biết chi phí xây dựng có thể dao động từ 20 đến 50 triệu USD cho mỗi km, tùy thuộc vào địa hình và nguồn thiết bị từ quốc gia cung cấp.
Chính quyền tỉnh Punjab, Pakistan mới đây đã công bố kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá hàng tỷ USD nối thủ đô hành chính Islamabad với thành phố Lahore – trung tâm dân cư lớn thứ hai cả nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của dự án, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và sự thiếu mặn mà từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong thông báo phát đi cuối tháng 4, chính quyền Punjab xác nhận bà Maryam Nawaz Sharif – Thủ hiến tỉnh và cháu gái của Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif – đã phê duyệt sơ bộ dự án đường sắt cao tốc Lahore–Rawalpindi, đồng thời được giới chức chức năng trình bày chi tiết về kế hoạch này.

“Thủ hiến chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai bước đầu cho tuyến tàu cao tốc đầu tiên của Pakistan. Thời gian di chuyển từ Lahore đến Rawalpindi sẽ được rút ngắn còn khoảng 2,5 tiếng – thay vì 5 tiếng như hiện nay bằng tàu thường”, thông cáo cho biết.
Bà Azma Bokhari, Bộ trưởng Thông tin tỉnh Punjab, phát biểu trước báo giới rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một chính quyền cấp tỉnh tại Pakistan đề xuất và khởi động dự án tàu cao tốc độc lập. Một nhóm công tác đã được thành lập để nghiên cứu khả thi và xây dựng lộ trình thực hiện.
Hiện tại, tuyến đường sắt giữa Lahore và Rawalpindi dài khoảng 280km, với tốc độ trung bình của các đoàn tàu chỉ khoảng 65km/h – quá xa so với tiêu chuẩn quốc tế cho tàu cao tốc, vốn yêu cầu tốc độ vượt 300km/h. Các chuyên gia ước tính tổng chi phí cho việc xây dựng hệ thống mới – bao gồm hạ tầng đường ray, tàu cao tốc và các cơ sở kỹ thuật – có thể vượt quá 10 tỷ USD (hơn 250.000 tỷ đồng).
Kỹ sư cơ khí Riaz Rashid, từng tham gia dự án đường sắt Bắc-Nam tại Ả Rập Xê Út, cho biết chi phí xây dựng có thể dao động từ 20 đến 50 triệu USD cho mỗi km, tùy thuộc vào địa hình và nguồn thiết bị từ quốc gia cung cấp. “Việc xây dựng từ đầu một hệ thống đường sắt cao tốc sẽ mất ít nhất từ 5 đến 7 năm”, ông nói với Nikkei Asia.

Ngoài vấn đề kỹ thuật, giới tài chính cảnh báo đây là dự án đòi hỏi nguồn vốn nước ngoài khổng lồ – thứ mà hiện tại Pakistan rất khó huy động. Có thể chọn Trung Quốc nhưng chuyên gia thuế và pháp lý Ikram ul Haq nhận định điều này không khả thi. Cụ thể, ông đánh giá: “Dự án này sẽ cần nguồn vốn rất lớn từ nước ngoài. Nhưng gần như không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, sẵn sàng rót tiền khi không có một báo cáo khả thi về kỹ thuật và tài chính đầy đủ, do một nhóm chuyên gia thực hiện”.
Ông cũng cho rằng Pakistan hiện không có đủ năng lực kỹ thuật để xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống hiện đại như vậy, đặc biệt khi tuyến đường dự kiến đi qua các khu vực địa hình gồ ghề – không phù hợp cho tàu cao tốc.
Một số quan chức cho biết Pakistan có thể tìm đến sự hỗ trợ kỹ thuật từ nước ngoài, như Trung Quốc hoặc Nhật Bản, nhưng chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra.
GS Moonis Ahmar, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Karachi, thẳng thắn: “Với tình hình tài khóa hiện tại, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ hỗ trợ dự án này theo khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC)”.
Thực tế, dự án nâng cấp tuyến đường sắt ML-1 trị giá 6,8 tỷ USD trong khuôn khổ CPEC đã đình trệ suốt một thập kỷ vì thiếu vốn – điều này càng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng thực hiện một dự án cao tốc còn đắt đỏ hơn nhiều.
Phía Đường sắt Pakistan cho biết họ chỉ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, còn toàn bộ việc tài trợ và phát triển sẽ do chính quyền tỉnh Punjab đảm nhiệm.
Ngoài ra, một số chuyên gia đặt câu hỏi về tính hợp lý khi chọn Lahore – thành phố nằm sâu trong nội địa – làm điểm khởi đầu cho tuyến tàu cao tốc. Theo kỹ sư Rashid, nếu nhìn từ góc độ chiến lược quốc gia, xuất phát từ thành phố cảng Karachi rồi tiến dần ra phía Bắc sẽ hợp lý hơn nhiều.
“Với mục tiêu kết nối và phát triển kinh tế, Karachi mới là điểm khởi đầu hợp lý cho một mạng lưới tàu cao tốc tại Pakistan”, ông kết luận.
Tham khảo Nikkei Asia