Thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á lung lay: Ngành trụ cột lao dốc, hệ thống ngân hàng chịu 'gánh nặng ngàn cân'

Đăng Đức 25/07/2025 - 07:29

Ngành ngân hàng nước này đang đối mặt với nhiều thách thức âm thầm tích tụ, từ lợi nhuận giảm nhẹ cho đến những biến động vĩ mô khó lường.

Các ngân hàng Thái Lan đang phải vật lộn với tình trạng cho vay yếu trong bối cảnh nợ hộ gia đình cao, du lịch chậm lại và chi tiêu tiêu dùng chậm chạp – những yếu tố có nguy cơ làm xấu đi triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á trong phần còn lại của năm 2025.

Theo một báo cáo từ Citi Research, các ngân hàng “xứ sở Chùa Vàng” đang đối mặt với lợi nhuận kém do biên độ lãi suất ròng (chênh lệch giữa thu nhập lãi và lãi phải trả) giảm, cùng với tăng trưởng tín dụng chậm chạp khi nền kinh tế nước này vẫn còn nhiều bất ổn.

Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á lung lay: Ngành trụ cột lao dốc, hệ thống ngân hàng chịu 'gánh nặng ngàn cân' - ảnh 1
Logo K-Plus của ngân hàng Thái Lan Kasikornbank được trưng bày tại một kỳ triển lãm Money Expo - Ảnh: Nutthawat Wicheanbut/Bangkok Post

Nền kinh tế Thái Lan – vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và du lịch – chỉ tăng trưởng trung bình dưới 2% trong 1 thập kỷ qua, thấp hơn các nền kinh tế lớn khác trong khu vực Đông Nam Á. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến chỉ tăng 1,3% đến 2,3% trong năm 2025, do bị kìm hãm bởi nợ hộ gia đình cao và lượng khách du lịch sụt giảm.

>> Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á lâm vào ‘cuộc khủng hoảng ngọt ngào’, chỉ còn 8 tuần để cứu vãn nguy cơ sụp đổ thị trường

Ngoài ra, nền kinh tế Thái Lan còn đứng trước nguy cơ bị Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất áp thuế suất 36% nếu nước này không đàm phán thương mại thành công với chính quyền của Tổng thống Donald Trump trước ngày 1/8 năm nay.

Theo chuyên gia phân tích Sarah Jane Mahmud, các ngân hàng Thái Lan được dự báo sẽ “hoạt động kém hơn các ngân hàng cùng ngành ở các thị trường lớn khác trong khu vực Đông Nam Á cho đến cuối năm nay”.

Hoạt động cho vay trong nước yếu kém kết hợp với sự giảm tốc của thương mại toàn cầu và “nợ xấu cao có thể trở nên trầm trọng hơn khi các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do lượng khách du lịch đến Thái Lan thấp hơn kỳ vọng và sự cạnh tranh từ làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại mới”, bà Mahmud nói.

Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á lung lay: Ngành trụ cột lao dốc, hệ thống ngân hàng chịu 'gánh nặng ngàn cân' - ảnh 2
Chuyên gia phân tích Sarah Jane Mahmud cảnh báo các ngân hàng Thái Lan sẽ “hoạt động kém hơn các ngân hàng cùng ngành ở các thị trường lớn khác trong khu vực Đông Nam Á cho đến cuối năm nay” - Ảnh: Internet

Ngân hàng TMBThanachart dự báo kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục suy giảm trong quý III/2025 do tiêu dùng và đầu tư tổng thể giảm, theo báo cáo lợi nhuận công bố ngày 18/7. Ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận ròng quý II năm nay đạt 5 tỷ baht (hơn 4.059 tỷ đồng), giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

>> Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á lung lay: Người dân chật vật vì lương đứng im 2 năm qua nhưng giá cả tăng vùn vụt

Trong khi đó, ngân hàng Kasikornbank báo cáo lợi nhuận ròng quý II/2025 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, do thu nhập lãi ròng giảm theo tình hình thị trường. Nhà băng này cũng cho biết họ vẫn tập trung vào việc mở rộng các khoản vay chất lượng.

SCB X dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ thấp hơn mức mục tiêu 1%-3%, dù ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận ròng quý II năm nay tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ lợi nhuận đầu tư cao hơn.

Ngân hàng Bangkok Bank ghi nhận lợi nhuận ròng quý II/2025 tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2024. Áp lực lạm phát thấp cho thấy nhu cầu trong nước “vẫn chưa hoàn toàn phục hồi”, theo báo cáo tài chính mới nhất của ngân hàng này cho biết.

Các ngân hàng Kasikornbank và SCB X được dự đoán sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng quý III/2025 giảm so với cùng kỳ do biên độ lãi suất ròng giảm bởi cắt giảm lãi suất chính sách, theo chuyên gia phân tích Chayaporn Tocharoen của Krungsri Securities.

“Các khoản vay của các ngân hàng thương mại Thái Lan khó có thể tăng trưởng trong quý III năm nay, chủ yếu do triển vọng xuất khẩu yếu”, chuyên gia Korakot Sawetkruttamat của Kasikorn Securities nhận định.

Ông cũng dự báo nợ xấu sẽ tăng trong nửa cuối năm 2025 do số lượng đăng ký chương trình hỗ trợ nợ của Chính phủ Thái Lan thấp hơn kỳ vọng. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nước này có thể gặp khó trong việc trả nợ nếu bị áp thuế cao từ Mỹ.

Chính phủ Thái Lan đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ nợ vào cuối năm 2024, bao gồm việc hoãn trả lãi trong 3 năm và giảm số tiền gốc phải trả.

“Tuy nhiên, các biện pháp chính sách cần thời gian để phát huy hiệu quả và tạo ra sự thay đổi mang tính cấu trúc”, chuyên gia Deepali Seth Chhabria của S&P Global Ratings nhận định.

Nhà phân tích Sarah Jane cho biết, mức thuế suất thấp hơn được đàm phán sẽ giúp các ngân hàng Thái Lan phần nào được hỗ trợ. Sự gia tăng hoạt động quản lý tài sản ở Thái Lan cũng có thể “giúp tăng thu nhập từ phí và hỗ trợ doanh thu khi thu nhập lãi ròng giảm sút”, bà nói.

Theo Bangkok Post

>> Thịt lợn Mỹ tràn ngập nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á: Hơn 100.000 người lo thất nghiệp ‘sau một đêm’, Chính phủ bị chỉ trích dữ dội

12 người Thái Lan thiệt mạng, Trung Quốc kêu gọi đối thoại

Gia tộc giàu có và quyền lực bậc nhất Thái Lan thua kiện trước ‘gã khổng lồ’ Nestlé

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-thu-2-dong-nam-a-lung-lay-nganh-tru-cot-lao-doc-he-thong-ngan-hang-chiu-ganh-nang-ngan-can-147495.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á lung lay: Ngành trụ cột lao dốc, hệ thống ngân hàng chịu 'gánh nặng ngàn cân'
    POWERED BY ONECMS & INTECH