Nhà cổ 200 tuổi “lọt thỏm” trong khu đất vàng toàn cao ốc, chủ nhà quyết từ chối tiền đền bù hơn 300 tỷ
Ngôi nhà cổ này đã ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng của công ty phát triển bất động sản.
Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, nơi đây đã chứng kiến sự biến đổi theo thời gian, nhiều công trình đã mất đi do sự phát triển của khu vực. Tuy nhiên, tại làng Dongsima (Trịnh Châu), có một ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi vẫn tồn tại độc lập, không bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của các toà nhà hiện đại xung quanh.
Năm 2007, làng Dongshima trải qua quá trình phá dỡ và tái thiết với quy mô lớn. Đa số cư dân trong khu vực này đều rất phấn khởi khi nghe tin rằng những ngôi nhà cũ sẽ bị tháo dỡ và họ sẽ được đền bù một khoản tiền đáng kể. Do hầu hết các ngôi nhà tại làng Dongshima đều trong tình trạng xuống cấp nặng, dân làng đều đồng ý tham gia quá trình phá dỡ mà không hề do dự.
Tuy nhiên, giữa cát vàng và bê tông cốt thép của những ngôi nhà đang xây dựng, vẫn có một ngôi nhà cổ trông lạc lõng. Đó là ngôi nhà của ông Ren Jinling - một người dân đặc biệt trong làng kiên quyết không nhận đền bù và không đồng ý cho phá dỡ nhà của ông. Ren Jinling đã liên tục khiến chủ thầu đến ký hợp đồng gặp trở ngại, ông lão tuổi đã cao lại có sự kiên trì đến bất ngờ. Có nhiều người nói với ông lão rằng: "Nếu ông không chịu phá dỡ, sẽ rất khó xử khi các tòa nhà cao tầng được xây dựng". Nhưng ông lão dường như không hề quan tâm đến điều này.
Ngôi nhà của ông lão nằm ở trung tâm của làng Dongshima, thành phố Trịnh Châu, về phía đông của làng Dongshima giáp với Đại học Công nghệ Hà Nam và về phía bắc là đường cao tốc đang được quy hoạch. Bởi vì triển vọng phát triển rất vượt trội, nó đã trở thành đối tượng "cạnh tranh" của các nhà phát triển lớn.
Trên thực tế, ngôi nhà cổ này nhìn qua trông rất bình thường, thậm chí có chút cũ kỹ. Nhưng nếu chủ nhà không đồng ý phá bỏ thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Vì vậy, chủ đầu tư bất động sản đã quyết định tăng phí phá dỡ từ 5 triệu lên 30 triệu để phục vụ tiến độ của dự án. Nhưng Ren Jinling vẫn từ chối và nhất quyết không chuyển đi. Các nhân viên của chủ đầu tư đến thăm ông mỗi ngày để thuyết phục.
Để dỡ bỏ được “ngôi nhà cứng đầu” cực kỳ khó nhằn này, sau khi thảo luận nội bộ, phía chủ đầu tư đã quyết định đưa ra mức bồi thường cao ngất lên tới 100 triệu nhân dân tệ (hơn 339 tỷ đồng). Nhưng không ngờ, điều này đã trực tiếp chọc giận Ren Jinling, ông nói: "Cho dù anh cho tôi 1 tỷ, 10 tỷ NDT, tôi cũng sẽ không bao giờ chuyển đi!". Cảm xúc của ông bị kích động đến mức thậm chí không có một chút chỗ nào để thương lượng. Vào thời điểm đó, nhiều dân làng biết về sự việc này và nói rằng ông Ren Jinling quá "cứng đầu".
Chủ đầu tư và dân làng đã thay phiên nhau thuyết phục Ren Jinling. Đối mặt với một màn hỗn độn như vậy, Ren Jinling lớn tiếng thốt ra một câu, lập tức khiến mọi người im lặng: "Căn nhà này đối với tôi thực sự quan trọng. 100 triệu đúng là mua được rất nhiều thứ, nhưng có những thứ là báu vật vô giá, một khi mất đi là thực sự mất đi".
Trên thực tế, mặc dù nhìn bên ngoài ngôi nhà rất cổ kính, đầy dấu tích của sự bào mòn theo năm tháng nhưng bên trong lại có một "lai lịch khủng". Các tác phẩm điêu khắc tinh xảo và sân trong được thiết kế đẹp mắt đã khiến các chuyên gia đến điều tra kinh ngạc.
Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là một vị quan thời vua Càn Long, nguồn gốc của dòng họ Ren hưng thịnh. Theo thời gian, căn nhà ngày càng được mở rộng, diện tích và quy mô ngày càng lớn và được truyền qua nhiều thế hệ.
Vào thời còn hưng thịnh, trong căn nhà này có nhiều người hầu hạ. Giờ đây, căn nhà vẫn giữ được những nét chạm khắc tinh xảo trên cửa và cổng. Tuy nhiên, nhà Thanh suy tàn, gia tộc họ Ren sống trong căn nhà này cũng đi xuống. Con cháu đời sau làm ăn sa sút, dần dần diện tích đất đai rộng lớn bị bán đi.
Ngày nay, diện tích căn nhà chỉ bằng 1/8 so với thời hưng thịnh của gia tộc và đủ chỗ cho gia đình sinh sống. Ông Ren Jinling - chủ nhân hiện tại đã sống trong căn nhà này từ bé. Sau khi ông nội qua đời, ông theo cha học công việc sửa và tu bổ nhà cổ. Nửa đời người đã trôi qua, cụ ông này đã chạm vào từng viên gạch, lan can trong nhà rồi gắn bó không thể rời xa. Khi cha qua đời, căn nhà được giao lại cho ông Ren Jinling sinh sống và giữ gìn cho đến ngày nay.
Các chuyên gia văn hóa đã được cử đến căn nhà để thẩm định. Ngôi nhà quay mặt về hướng Nam, có diện tích hơn 1000m2. Trong nhà còn có nhiều di tích văn nhóa hư đồ sứ, tranh màu và áo choàng thời nhà Thanh được trưng bày trong phòng, thể hiện nét tinh xảo của các vật phẩm quý tộc của triều đại nhà Thanh. Ngay cả một số vật dụng nhỏ trong cuộc sống như cái xẻng, khung cửi… cũng mang dấu tích lịch sử rất lớn. Ngoài ra, những từ được khắc trên mái hiên của cánh cửa là sự xác thực lịch sử có thật.
Do đó, các chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng, căn nhà này mang giá trị lịch sử và không nên bị phá hủy. Nhờ vào quyết định này, căn nhà đã được bảo tồn, cho phép ông Ren Jiling tiếp tục cuộc sống và kế thừa truyền thống từ thế hệ trước. Hiện nay, nó thu hút nhiều du khách đến tham quan, giúp họ hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử của thành phố Trịnh Châu.
Theo Ifeng, Toutiao
>> Căn nhà chứa hơn 100 “báu vật” cổ độc nhất vô nhị của đại gia miền Tây