Những ai buộc phải ra ngân hàng nếu chuyển khoản trên 10 triệu đồng từ 1/7?
Từ ngày 1/7, có 4 trường hợp khách hàng buộc phải ra quầy tại ngân hàng để thực hiện giao dịch nếu chuyển khoản từ 10 triệu đồng trở lên.
Quyết định 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) nhằm triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo quyết định này, giao dịch của khách hàng, nhất là các giao dịch lớn từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày, đều buộc phải xác thực sinh trắc học. Ngoài ra, khách hàng nạp tiền vào ví điện tử từ trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra đảm bảo.
Đáng chú ý, theo Quyết định 2345, dữ liệu sinh trắc học mà các ngân hàng thu thập được buộc phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân (CCCD) do chính cơ quan công an cấp hoặc xác thực bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh điện tử tạo lập hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu của tổ chức cung ứng dịch vụ đã được kiểm tra, đối chiếu với CCCD gắn chip, VneID.
Như vậy, từ ngày 1/7/2024, các khách hàng buộc phải ra quầy giao dịch tại ngân hàng để thực hiện chuyển tiền trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, khách hàng chưa có CCCD gắn chip, chỉ có chứng minh thư nhân dân hoặc CCCD cũ.
Thứ hai, khách hàng chưa thể cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng và được xác thực đã hoàn thành do lỗi kỹ thuật từ hệ thống.
Thứ ba, khách hàng đã xác thực thành công dữ liệu sinh trắc học trên app ngân hàng. Nhưng từ sau 1/7, khi thực hiện giao dịch, dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng nếu không khớp với dữ liệu trong CCCD gắn chip (do thay đổi một số nét trên khuôn mặt dẫn tới dữ liệu không trùng khớp) tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào ví điện tử hay chuyển tiền liên ngân hàng hoặc thanh toán các giao dịch khác với giá trị lớn, khách hàng cũng buộc phải ra quầy giao dịch.
Thứ tư, trường hợp ách tắc giao dịch trong một số ngày đầu tiên khi Quyết định 2345 chính thức có hiệu lực khiến giao dịch chuyển tiền giá trị lớn bị nghẽn, khách hàng cũng phải ra quầy nếu có nhu cầu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chip (có CCCD hoặc CMND còn thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật) hoặc khách hàng là người nước ngoài hay khách hàng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, để thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng, khách hàng chỉ phải thực hiện đăng ký 1 lần duy nhất thông tin sinh trắc học tại quầy với ngân hàng, sau đó khách hàng có thể thực hiện giao dịch thông qua ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking, không phải ra quầy.
Trong thời gian tới, khi Bộ Công an cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, các ngân hàng sẽ triển khai tích hợp ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking với hệ thống định danh và xác thực điện tử để cho phép khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thông qua tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp.
Giảm thiểu việc chiếm đoạt tài khoản
Theo NHNN, mục đích ban hành Quyết định 2345 là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Về bản chất của các giải pháp quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên CCCD do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
Theo thống kê của NHNN, khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Do đó, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng.
Theo đánh giá của ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Quyết định 2345 của NHNN được ban hành rất kịp thời, mang tính đột phá. Bên cạnh đó, quyết định này cũng khiến các ngân hàng nâng cao trang bị về công nghệ, bảo vệ khách hàng tốt hơn. Agribank là nhà băng thuộc nhóm có số lượng giao dịch trực tuyến lớn nhất hệ thống với khoảng 254 nghìn giao dịch trực tuyến/ngày, chiếm 91,97% tổng số giao dịch của ngân hàng. “Nhìn chung các ngân hàng và khách hàng đều rất hưởng ứng Quyết định 2345. Agribank đã tích cực chuẩn bị cho việc thực hiện quyết định này của NHNN, từ việc trang bị cơ sở hạ tầng, công nghệ, con người, và các biện pháp để đảm bảo thực hiện từ 1/7/2024 theo quy định”, Phó Tổng Giám đốc Agribank nói. Với đặc thù là ngân hàng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, số lượng khách hàng không thông thạo về mặt công nghệ chiếm số lượng không nhỏ tại Agribank. Do đó, những ngày này ngân hàng đã chủ động bố trí cán bộ trực tại quầy giao dịch để sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng khi có vướng mắc trong quá trình đăng ký xác thực sinh trắc học. Trước đó, Agribank đã tập huấn trên toàn hệ thống, giao nhiệm vụ trực tiếp cho các giám đốc chi nhánh có trách nhiệm chủ động triển khai tới các khách hàng trước ngày 1/7/2024, để đảm bảo đến ngày 1/7 ngân hàng sẽ có kho dữ liệu sinh trắc học của khách hàng một cách tương đối. |
>> Vietcombank ‘mách’ 3 cách để cập nhật thông tin sinh trắc học
Xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng
Làm sao để xác thực sinh trắc học nếu không có CCCD gắn chip hoặc điện thoại không hỗ trợ NFC?