Điểm đến

Những bí ẩn bên trong pháo đài lớn nhất Đông Dương: Có diện tích khoảng 3ha, chi phí xây dựng cao gấp 3,5 lần Nhà hát lớn Hà Nội

Thùy Dung 12/01/2024 - 15:14

Đây là công trình quân sự được người Pháp đầu tư xây dựng tại Việt Nam với quy mô hiện đại bậc nhất Đông Dương thời điểm bấy giờ.

Từng là pháo đài tối tân, hiện đại bậc nhất Đông Dương

Năm 1900, trước nguy cơ Thế chiến 1 lan rộng, người Pháp đã củng cố các tuyến phòng thủ bờ biển phía tây nam của Pháp và hệ thống phòng thủ các pháo đài dọc biên giới Đức - Pháp. Họ cho lắp đặt các loại súng mới có tầm bắn lên tới hơn 20km với loại đạn nổ như ngư lôi, có sức công phá tàu chiến hạng lớn, xây dựng nhiều công sự kiên cố.

Tại Việt Nam, sau khi chiếm trọn lục tỉnh Nam kỳ, người Pháp củng cố hệ thống phòng thủ dựa trên các đồn bốt của nhà Nguyễn để lại, hiện đại hóa nó bằng các lô cốt, pháo đài với các loại súng hiện đại bậc nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

Toàn cảnh đồn Rạch Cát

Toàn cảnh đồn Rạch Cát

Để bảo vệ Sài Gòn - thủ phủ của lục tỉnh Nam kỳ - trước sự dòm ngó của các cường quốc phương Tây, người Pháp cho xây dựng tuyến phòng thủ bờ biển trải dài từ Vũng Tàu ngày nay đến Cần Giờ (Sài Gòn) qua Cần Đước (Long An) nhằm án ngữ các mũi tấn công từ bờ biển vào đất liền.

Đồn Rạch Cát có vị trí đắc địa khi nằm ở cửa 3 con sông Rạch Cát - Vàm Cỏ - Soài Rạp thông với cửa biển Vàm Láng. Vị trí này cạnh tuyến đường thủy giao lưu hàng hóa từ miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và ngược lại. Đồng thời án ngữ trên con đường thủy từ biển vào Sài Gòn, các tuyến đường có thể lưu thông qua Lào, Campuchia, Thái Lan. Nhiệm vụ của pháo đài này chẳng những kiểm soát toàn bộ giao thông thủy vào Sài Gòn mà còn khống chế 1 phần biển Vũng Tàu.

Cổng chính vào Pháo Đài Rạch Cát ảnh chụp năm 1967

Cổng chính vào pháo đài Rạch Cát ảnh chụp năm 1967

Công trình được khởi công năm 1903, với kiến trúc tổng thể hình hình cánh cung, đối xứng, trên diện tích khoảng 3ha. Công trình có chiều dài 300m, rộng 100m, cao 5 tầng với 3 tầng chìm, 2 tầng nổi. Hai tầng nổi chứa đạn dược, hầm chỉ huy và phòng ở của binh lính, lương thực thực phẩm phòng khi đồn bị bao vây dài ngày. Các tầng hầm vừa là móng công trình vừa là hầm chứa nước ngọt bởi khu vực này nhiễm mặn và xa dân cư.

Ban đầu công trình dự kiến hoàn thành khoảng hai năm sau đó nhưng do mưa bão, cùng việc địa chất vùng này rất yếu phải thay đổi thiết kế nên công trình mất 11 năm sau mới hoàn thành (năm 1914). Người Pháp gọi đây là “Hệ thống phòng thủ các con sông và Cap Saint-Jacques”. Chi phí xây dựng pháo đài vào khoảng 7 triệu francs thời ấy, cao gấp 3,5 lần chi phí xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội.

Khung cảnh nhìn từ Pháo Đài ảnh chụp năm 1967

Khung cảnh nhìn từ pháo đài ảnh chụp năm 1967

Chuyện kể rằng, sau khi người Pháp cho tàu chở vật liệu đến thì xảy ra trận bão năm Giáp Thìn (1904) - trận cuồng phong mạnh nhất từng đổ bộ vào Sài Gòn khiến 3.000 người chết, khiến vật liệu trôi sạch. Năm 1905, Pháp gom dân 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước đến đây lao động khổ sai, đào móng đóng cừ, đào nền sâu hàng chục mét dưới lòng đất. Hàng trăm dân phu phải bỏ mạng vì rừng thiêng nước độc và làm việc nặng nhọc.

Sau thập kỷ xây dựng, pháo đài được đưa vào sử dụng với những vũ khí vào loại hiện đại nhất lúc bấy giờ. Ở hai đầu cánh cung, người Pháp lắp hai khẩu trọng pháo lớn có thể xoay 360 độ nên có thể kiểm soát được mọi hướng, có tầm bắn hơn 20km, khống chế một vùng rộng lớn tới cả vùng Gò Công, Sài Gòn và vùng biển Vũng Tàu. Người Pháp còn lắp đặt hai khẩu Canon loại 240mm để tăng thêm sức mạnh cho trận địa này ở tầm bắn gần hơn.

Đặc biệt, từng có hai khẩu pháo 605mm trên nóc pháo đài, sau đó bị lấy đi và nay chỉ còn hai mâm pháo bằng thép có đường kính 6m, nhô cao để lộ hai lỗ nòng pháo lớn. Hai khẩu pháo được thể hiện trong thiết kế từ khi người Pháp lên kế hoạch xây dựng pháo đài. Ngày nay vẫn còn một số tài liệu lưu trữ về kế hoạch để bắn thử hai khẩu pháo khổng lồ này những năm 1908-1914.

Ở giữa đồn được lắp 4 khẩu pháo 95mm (sau này cả 4 khẩu pháo này đã bị tháo dỡ) và 6 khẩu pháo phòng không 75mm. Với tầm bắn và số lượng pháo lắp đặt này, pháo đài tại đồn Rạch Cát cho thấy quy mô còn hơn cả pháo đài ở Verdun (Pháp). Tại trung tâm cánh cung là trung tâm chỉ huy của pháo đài với lối đi dích dắc. Cách pháo đài chính vài trăm mét là hệ thống các lô cốt bảo vệ từ xa được trang bị hỏa lực.

Khoảng cuối thập niên 1930, để tăng cường thêm hỏa lực cho pháo đài, thực dân Pháp còn xây dựng ở hai đầu của pháo đài hai ụ pháo lộ thiên, mỗi ụ đặt một khẩu pháo 138mm. Đây là một loại pháo hạm hiện đại, bán tự động, có tốc độ bắn cao, tầm bắn 18,2km, đạn nặng 40kg. Khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, pháo đài được tu sửa trang bị trận địa pháo phòng không, súng máy phòng không, nhà ở và các hồ chứa nước cho binh lính.

Khẩu pháo 138 mm

Khẩu pháo 138mm

Khi thực dân Pháp đầu hàng Nhật ở Sài Gòn thì đồn giao cho lính Nhật, khi đó một số loại trọng pháo, súng ống đạn dược bị Nhật tháo đi. Tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, quân Nhật bỏ đồn, người dân xã Long Hựu Đông theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh nổi lên giành chính quyền và chiếm lấy đồn. Thời chống Mỹ, đây từng là nơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập làm trại giam, đặt 12 khẩu pháo 75mm để trấn giữ các vùng từ chiến khu Rừng Sác đến Cần Đước, Cần Giuộc…

Rạch Cát “đổi phận” trong thời bình

Sau hơn trăm năm tồn tại, pháo đài một thời lừng danh giờ ẩn mình giữa rừng đước xanh ngắt, thay vì có tầm nhìn bao quát tứ phía từ nóc đồn như xưa kia. Cảnh quan bên ngoài đã đổi khác nhưng kết cấu tổng thể đồn Rạch Cát vẫn nguyên vẹn, và trên mình pháo đài bao dấu tích trăm năm vẫn còn hằn rõ. Trên hai cánh cửa thép dày 12cm vẫn còn chi chít vết đạn, các thanh cài vẫn còn nguyên, những bản lề vẫn lắp khít trên tường thành.

Hình ảnh thể hiện rõ nét nhất cho uy lực pháo đài là các cỗ pháo lớn phía trên tầng 5. Các mâm pháo bằng bê tông, những trụ nổi và cột ốc thép đặt pháo còn lại sau khi các khẩu pháo bị tháo đi. Riêng hai khẩu pháo 138mm dài hơn 4m vẫn còn nguyên vẹn, kê nòng thép trên thành mâm pháo bê tông. Đây là một loại pháo hạm hiện đại, bán tự động, có tốc độ bắn cao, tầm bắn 18,2km, đạn nặng 40kg.

Những dấu vết năm xưa tại Rạch Cát vẫn còn nguyên vẹn

Những dấu vết năm xưa tại Rạch Cát vẫn còn nguyên vẹn

Mặc dù còn nguyên kết cấu ban đầu nhưng nhiều bộ phận pháo đài đã xuống cấp trầm trọng, có chỗ sụt lún, bong tróc. Sàn bê tông đã hư hỏng nặng, lộ rõ thép hoen gỉ, thấm dột. Các phòng tầng hầm không sử dụng được do nước và bùn xâm nhập, hệ thống súng máy đã bị tháo đi, hai khẩu trọng pháo ở hai đầu cánh cung không còn, chỉ còn hai tháp pháo. Các đài quan sát từng cao đến 20-25m nay đã bị sụp đổ và các lô cốt xung quang đã đổ ngã và bị cây cỏ bao phủ.

Pháo đài mang trên mình nhiều ý nghĩa lịch sử to lớn và nằm giữa thiên nhiên xanh tươi với rừng ngập mặn bạt ngàn và hệ thống kênh rạch đặc trưng vùng hạ nguồn các con sông. Xung quanh có các điểm du lịch, nổi tiếng nhất là di tích lịch sử quốc gia nhà trăm cột, được các nghệ nhân Huế xây dựng hơn trăm năm trước. Vùng lúa Nàng Thơm Chợ Đào, Chùa Núi và chùa Tôn Thạnh gắn liền với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Nơi đây thu hút khách du lịch xa gần tới tham quan

Nơi đây thu hút khách du lịch xa gần tới tham quan

Mang vẻ đẹp hoành tráng, trận địa pháo này trở thành bối cảnh của trên 10 bộ phim sau năm 1975, trong đó bộ phim nổi tiếng Đất phương nam. đồn Rạch Cát vì thế được đánh giá là có tiềm năng trở thành điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn. Tỉnh Long An cũng từng đưa ra dự án du lịch và mời gọi các nhà đầu tư và hiện tại địa phương đã có chủ trương đầu tư phát triển du lịch trên diện tích hàng chục ha.

Nếu được thực hiện như kế hoạch, nơi này sẽ trở thành một điểm tham quan trọng tâm bên cạnh các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng sinh thái. Khi đó, du khách từ TP HCM sẽ chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để đến khu vực này. Và từ đây dễ dàng kết nối giao thông đường sông với cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc), khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ (TP HCM) và trận địa pháo Vũng Tàu, xa hơn là các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.

Hiện nay, đang có một đơn vị của Quân khu 7 đóng tại đây nên để được tham quan cần có sự cho phép của cơ quan chức năng. Được biết, sau khi có chủ trương phát triển du lịch tại di tích đồn Rạch Cát, tỉnh Long An đang làm việc với Quân khu 7 (đơn vị đang quản lý đồn) để tính các phương án bàn giao đất và tiếp đến là các phương án phát triển du lịch tại di tích này. Vừa giàu giá trị lịch sử, vừa có giá trị nghệ thuật kiến trúc đồn lũy cổ ở châu Âu, đồn Rạch Cát đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

>> Ngoạn cảnh ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại của Phố Hiến: Sở hữu ngôi chùa có tam quan lớn nhất và hàng trăm di tích, báu vật quý hiếm

Kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền tại Việt Nam: Là công trình kiến trúc quân sự có 1-0-2 thế giới, được UNESCO công nhận là di sản kép đầu tiên của Đông Nam Á

Công trình quân sự trăm năm tuổi dài 34km của Việt Nam nằm ở vị trí đắc địa, được chỉ huy xây dựng bởi ‘đệ nhất khai quốc công thần’

Cảng quân sự ở Việt Nam từng là một trong những quân cảng nổi tiếng nhất thế giới, được ví như 'đồn phòng vệ của Thái Bình Dương' trong thời chiến, trở thành căn cứ địa quan trọng trong thời bình

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nhung-bi-an-ben-trong-phao-dai-lon-nhat-dong-duong-co-dien-tich-khoang-3ha-chi-phi-xay-dung-cao-gap-35-lan-nha-hat-lon-ha-noi-d114626.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Những bí ẩn bên trong pháo đài lớn nhất Đông Dương: Có diện tích khoảng 3ha, chi phí xây dựng cao gấp 3,5 lần Nhà hát lớn Hà Nội
POWERED BY ONECMS & INTECH