Sau Đèo Cả, Hòa Phát… thêm một doanh nghiệp muốn tham gia siêu dự án đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD
Năm 2025, doanh nghiệp đặt ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 12% so với năm trước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, CTCP Tập đoàn CIENCO4 (mã: C4G) ghi nhận doanh thu đạt 3.265 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 39% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2025, CIENCO4 đặt ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 12% so với năm trước. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, công ty sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư vào một số hạng mục thuộc dự án khu du lịch, dịch vụ tổng hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau với tổng mức đầu tư lên tới 1.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, CIENCO4 đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy Chính phủ sớm ban hành quyết định hỗ trợ thanh toán phần vốn đã đầu tư vào dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, qua đó tạo nguồn lực để tái đầu tư vào các dự án trọng điểm khác.
Trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng như CIENCO4 được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2025.
Về định hướng dài hạn, CIENCO4 tập trung xây dựng năng lực nội tại thông qua việc chuẩn bị nguồn nhân lực, công nghệ, thiết bị và phát triển mối quan hệ với các đối tác chiến lược. Mục tiêu là sẵn sàng tham gia các công trình hạ tầng quy mô lớn như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt trục Đông - Tây và hệ thống Metro tại Hà Nội, TP. HCM.
Công ty cũng lên kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), đồng thời mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp và khu đô thị - đặc biệt tại Hà Nội, TP. HCM và các địa bàn có tiềm năng phát triển quỹ đất.
Đối với các dự án đang triển khai, CIENCO4 tiếp tục thực hiện thủ tục pháp lý để bổ sung phần đất mới mua vào dự án quản lý tuyến tránh TP. Vinh, trạm dừng xe Bắc - Nam và trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Doanh nghiệp cũng đang xúc tiến thủ tục gia hạn tiến độ và điều chỉnh phương án đầu tư cho dự án khu ẩm thực sinh thái Nghi Hải. Riêng với dự án sân bay Quảng Trị, công ty sẽ hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đối với khu đô thị tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), CIENCO4 đang làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn tất phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan.
Song song với các hoạt động đầu tư và phát triển dự án, công ty cũng đang hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm đẩy nhanh kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Về chính sách cổ tức, CIENCO4 dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu trong năm 2024 và nâng lên 7% vào năm 2025.
Về doanh nghiệp, theo website giới thiệu, CTCP Tập đoàn CIENCO4 là đơn vị kế thừa truyền thống của Cục Công trình I - Bộ Giao thông vận tải, được thành lập vào ngày 27/12/1962 với sứ mệnh đảm bảo giao thông phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Tập đoàn CIENCO4 đã nhiều lần được tổ chức lại với các tên gọi khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Với bề dày lịch sử và kinh nghiệm, CIENCO4 tự hào là một trong những doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong ngành xây dựng tại Việt Nam.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 172/2024/QH 15 quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, điểm đầu ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh TP trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM.
Dự án có quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường khổ đôi 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa nhằm đảm bảo hiện đại và đồng bộ.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 67,34 tỷ USD từ ngân sách Nhà nước, bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư trung công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác; sử dụng khoảng 10.827ha, gồm 3.655ha đất trồng lúa, 2.567ha đất lâm nghiệp và 4.605ha các loại đất khác theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Hòa Phát, Đèo Cả sẵn sàng 'giương cờ' tiên phong
Trước đó, Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) từng tuyên bố sẵn sàng đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt.
Theo đó, Hòa Phát Dung Quất đã đề nghị tỉnh Quảng Nam bàn giao 42ha đất để triển khai giai đoạn 1 dự án cán thép chất lượng cao tại KKT Dung Quất, bao gồm sản phẩm thép đặc biệt làm ray đường sắt đô thị.
Theo thông tin mới nhất từ Báo Quảng Ngãi, Ban Quản lý đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết. Dự kiến, trong tháng 4/2025, Hòa Phát sẽ chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt, với mục tiêu cung cấp sản phẩm phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Không chỉ có Hòa Phát, Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết, doanh nghiệp đã triển khai những chiến lược cụ thể để đón đầu. Tập đoàn đang tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số, đồng thời định hướng tham gia sản xuất đầu máy, toa xe nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Song song với đó, Đèo Cả triển khai các chương trình công tác nước ngoài để nghiên cứu thực tiễn trong đào tạo và vận hành ngành đường sắt – metro, đặc biệt tại các quốc gia có kinh nghiệm như Nhật Bản, Trung Quốc. Mục tiêu là thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tiếp cận các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu khả năng "bản địa hóa" công nghệ và thiết bị để phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Chúng tôi có thế mạnh về nhân lực và tài chính. Hiện doanh nghiệp đang xúc tiến hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín trong lĩnh vực công nghệ đường sắt, với định hướng nội địa hóa hoạt động sản xuất phục vụ cho các dự án đường sắt tốc độ cao sắp tới".
>> Tập đoàn Trung Nam đề xuất ‘gỡ khó’ dự án khu đô thị sinh thái gần 4.500 tỷ