Nga có thể cần khoảng một thập niên mới có thể đưa kinh tế trở về mức của năm 2021. Do đó, Giám đốc điều hành Sberbank đã kêu gọi tái cơ cấu nền kinh tế Nga.
Nền kinh tế Nga có thể phải cần tới một thập niên để quay trở về mức của năm 2021 - thời điểm các nước phương Tây chưa áp đặt các lệnh trừng phạt Moskva.
Đây là nhận định được ông German Gref, Giám đốc điều hành Sberbank - ngân hàng hàng đầu nước Nga, đưa ra ngày 17/6, trong bối cảnh các hạn chế kinh tế khiến thương mại của nước này giảm tới 50%.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg 2022 đang diễn ra tại thành phố cùng tên, ông Gref ước tính các nước áp đặt trừng phạt đối với Nga chiếm khoảng 56% kim ngạch xuất khẩu và 51% kim ngạch nhập khẩu của Nga.
Theo ông, đây là mối đe dọa đối với 15% Tổng sản phẩm quốc nội của Nga. Nếu không có biện pháp gì, Nga có thể cần khoảng một thập niên mới có thể đưa kinh tế trở về mức của năm 2021. Do đó, Giám đốc điều hành Sberbank đã kêu gọi tái cơ cấu nền kinh tế Nga.
The ông Gref, các chuyến hàng đã giảm 6 lần, trong khi vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không cũng bị cản trở do các biện pháp trừng phạt, không cho các hãng hàng không Nga bay theo hướng Tây và các tàu treo cờ Nga không được cập cảng Liên minh châu Âu (EU).
Dù thừa nhận kinh tế Nga đối mặt với những trở ngại lớn, song giới chức nước này vẫn khẳng định nền kinh tế đang vận hành tốt hơn dự kiến ban đầu, một phần do giá năng lượng cao hơn giúp đảm bảo nguồn thu.
Khi EU chuẩn bị loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, Nga đã chuyển hơn 50% lượng dầu sang châu Á.
Một thông tin liên quan đến Sberbank, từ ngày 14/6, Liên minh châu Âu (EU) đã loại ngân hàng này khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Sputnik đưa tin.
SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Được thành lập vào năm 1973, SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống thông tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga sẽ không còn có thể thanh toán cho các hoạt động thương mại và tài chính, việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Nga như dầu, than và khí đốt tự nhiên cũng bị cản trở…
Tuy nhiên, các ngân hàng này khẳng định việc bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động ngân hàng và họ đã sẵn sàng đối phó với tình huống như vậy.
Trong một thông báo trên Telegram, Sberbank cho hay ngân hàng này vẫn làm việc như bình thường khi đề cập đến các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ và Vương quốc Anh, nhằm cô lập hệ thống tài chính của ngân hàng.
Sberbank cho biết thêm rằng việc bị loại khỏi SWIFT "không làm thay đổi tình hình hiện nay đối với các giao dịch quốc tế", trong khi các giao dịch trong nước Nga không sử dụng nền tảng thanh toán có trụ sở tại Bỉ này.
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, Nga đã phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt đặc biệt nhắm vào nền kinh tế và các tổ chức tài chính của nước này.
Trong tháng 3/2022, EU đã loại 7 ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT. Tuy nhiên, Sberbank ban đầu chưa bị liệt kê vào danh sách này nhằm tạo điều kiện cho các nước EU thanh toán hóa đơn vận chuyển khí đốt và dầu của Nga.
Từ đó đến nay, các nước EU đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và ngày 30/5 vừa qua, khối này tuyên bố cấm hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga.
Chuyên gia: Mục tiêu cuối cùng của BRICS không chỉ là phi USD hóa
Chỉ huy chiến trường Ukraine tiết lộ vũ khí lợi hại nhất do phương Tây cung cấp