Starbucks bị cáo buộc ‘lừa’ khách hàng qua thẻ thành viên, chiếm dụng gần 900 triệu USD trong 5 năm
Đây là số tiền còn sót lại nằm trong ứng dụng và thẻ thanh toán chưa chi tiêu của khách hàng, cộng dồn trong 5 năm.
Liên minh Bảo vệ Người tiêu dùng Washington (WCPC) mới đây đang cáo buộc Starbucks lợi dụng khách hàng thông qua thẻ quà tặng và ứng dụng thanh toán, khiến họ rơi vào một vòng luẩn quẩn chi tiêu nhiều tiền hơn so với mong muốn.
Liên minh cho rằng những hành vi này "không công bằng và lừa dối", đồng thời kêu gọi Tổng chưởng lý bang Washington điều tra xem liệu các chính sách của công ty Starbucks có vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng hay không.
Chris Carter, người đứng đầu chiến dịch chống lại Starbucks nói: “Starbucks đã thiết lập nền tảng thanh toán bằng thẻ thành viên của mình nhằm khuyến khích người tiêu dùng để lại số tiền dư trong ứng dụng của họ”.
Ông giải thích: "Một vài đồng sót lại trong các tài khoản này nghe có vẻ không nhiều với mỗi người nhưng nếu tính tổng ra thì trong 5 năm qua, Starbucks đã chiếm dụng vốn đến gần 900 triệu USD của khách hàng, qua đó làm tăng doanh thu, lợi nhuận cũng như đem về thêm tiền thưởng cho Ban giám đốc".
Nền tảng thanh toán trực tuyến bằng thẻ thành viên của Starbucks bị cáo buộc 'giăng bẫy' khách hàng. Nguồn: Fortune |
Theo Fortune, phát ngôn viên của Starbucks, Sam Jefferies cho biết công ty sẽ “cam kết hợp tác với bang Washington để đảm bảo tuân thủ tất cả các luật và quy định của bang”.
Trong đơn khiếu nại dài 15 trang, WCPC tố nền tảng dành cho ứng dụng di động và thẻ thanh toán kỹ thuật số của Starbucks giống như một hình thức “đăng ký ép buộc”. Khách hàng chỉ có thể nạp tối thiểu 5 USD và thanh toán trực tuyến tối thiểu 10 USD. Điều đó có nghĩa là họ không thể nạp thêm tiền cho đủ số tiền trong một lần mua, chưa kể khách hàng cũng không thể dùng tiền lẻ để tip nhằm giảm số dư về 0.
Việc còn để dù chỉ vài đồng trong tài khoản thành viên cũng giúp hãng này chiếm dụng được hàng trăm triệu USD trong vài năm qua, nhờ đó làm đẹp báo cáo tài chính và có đủ nguồn vốn để sử dụng cho những mục đích khác.
Mặc dù WCPC cũng thừa nhận người dùng có thể thanh toán bằng tiền mặt tại các cửa hàng truyền thống để "dọn sạch" tài khoản, sự bất tiện này đã cho thấy hãng này không mong muốn khách hàng dùng hết tiền trong nền tảng.
"Việc Starbucks khiến một số lựa chọn trở nên bất khả thi trên ứng dụng nhưng vẫn khả thi khi mua trực tiếp cho thấy công ty đã cố tình thiết kế nền tảng thanh toán của mình để tác động đến hành vi của khách hàng theo cách có lợi cho họ nhưng gây hại cho người tiêu dùng", trích theo đơn khiếu nại.
Đáp trả cáo buộc trên, phía Starbucks khẳng định khách hàng có thể tiêu tùy thích mà không hề bị ép buộc, sau đó dọn trống tài khoản số tiền lẻ bằng cách thanh toán tiền mặt ở cửa hàng truyền thống.
Ứng dụng của Starbucks ngày càng trở nên quan trọng đối với công ty. Đơn đặt hàng qua ứng dụng và đơn đặt hàng trực tiếp trên xe (drive-through order) chiếm phần lớn giao dịch mua hàng của công ty ở thời điểm hiện tại.