Tập đoàn Hàn Quốc thâu tóm 51% cổ phần chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma
Mới đây, tập đoàn dược phẩm Hàn Quốc đã chi 30 triệu USD để mua lại 51% cổ phần của chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma.
Mới đây, Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) thông báo đã ký hợp đồng mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam, theo Business Korea.
Chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma của Việt Nam được thành lập vào năm 1997, quản lý hơn 140 chuỗi cửa hàng dược phẩm ở miền Nam Việt Nam và báo cáo doanh thu khoảng 568 triệu USD vào năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 46% kể từ năm 2019.
Công ty cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (H&B).
Chuỗi nhà thuốc này đang kỳ vọng vào sự hợp tác với Dongwha Pharm có thể đem lại một động lực tăng trưởng mới, tăng cường hơn nữa sự hiện diện bán lẻ của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026.
Trong khi đó, Dongwha Pharm là một công ty dược phẩm hàng đầu của Hàn Quốc, công ty được thành lập vào năm 1970, chuyên tham gia sản xuất và phân phối các loại thuốc và dược phẩm bao gồm thuốc điều trị hệ tiêu hóa, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tim mạch và chuyển hóa, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chữa bệnh hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chữa bệnh hệ thần kinh, thuốc chữa bệnh da liễu và thuốc chữa bệnh tiết niệu.
Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Dongwha Pharm cho biết đã chi gần 30 triệu USD để mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, tương đương hơn 12,15 triệu cổ phiếu.
Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10 năm nay.
Dongwha Pharm cho biết, thương vụ mua lại này sẽ giúp họ thâm nhập thị trường Việt Nam với các loại thuốc không kê đơn. Công ty cũng có kế hoạch bán các sản phẩm mỹ phẩm, và thực phẩm chức năng tốt cho sức khoẻ.
Tập đoàn Hàn Quốc cho biết thêm rằng sau mua lại, Trung Sơn Pharma có thể mở rộng mạng lưới lên 460 cửa hàng vào năm 2026.
Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Dự báo doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Hồi cuối tháng 7, tại hội thảo "Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược" do Báo Đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng một cách nhanh chóng, đang có giá trị hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP trong năm 2022.
Theo dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 13 tỷ USD. Năm 2022, tiền thuốc bình quân đầu người đạt khoảng 75 USD (tương đương hơn 1,7 triệu đồng).
Trên thị trường này, hiện có ba chuỗi dẫn đầu gồm Long Châu, Pharmacity và An Khang, theo báo cáo từ Chứng khoán ACB. Trong đó, Long Châu đã có lãi từ năm 2021 nhưng hai chuỗi còn lại thì vẫn chưa.
Việt Nam mong muốn tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn Hàn Quốc
Dự án nhà máy điện khí LNG hơn 2 tỷ USD tại Nghệ An lọt 'mắt xanh' của tập đoàn Hàn Quốc