Top 'công xưởng thời trang' toàn cầu: Trung Quốc không còn là 'vua', Việt Nam tiếp tục tiến lên và bất ngờ đến từ Campuchia
Bản đồ chuỗi cung ứng ngành thời trang toàn cầu đang được tái cấu trúc – và quan trọng hơn, ngày càng bị phân mảnh. Sau nhiều năm giá nhân công tăng, sản xuất dịch chuyển gần thị trường tiêu thụ, cú sốc đại dịch COVID-19 và nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc – vốn được coi là “vua” trong lĩnh vực gia công thời trang – đang dần đánh mất vị thế.
Lần đầu tiên kể từ khi thương mại hàng dệt may toàn cầu được tự do hóa vào năm 2005, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trong ngành thời trang toàn cầu đã giảm xuống dưới 30%.
Theo báo cáo Key Insights and Trends from World Trade Statistics 2024 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong năm tài khóa gần nhất, Trung Quốc chỉ chiếm 29,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu. Đáng chú ý, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành khối xuất khẩu thời trang lớn nhất thế giới, với thị phần đạt 29,7%.

Vào năm 2023, Trung Quốc vẫn chiếm 31,6% thị phần toàn cầu. Quá trình thống trị của nước này bắt đầu từ năm 2005, khi ngành dệt may toàn cầu được gỡ bỏ hạn ngạch, tạo điều kiện cho sản xuất ồ ạt dịch chuyển về Trung Quốc. Từ mức chỉ 18,2% năm 2000, thị phần xuất khẩu may mặc của Trung Quốc tăng lên 26,6% năm 2005 và đạt đỉnh 36,9% vào năm 2010.
Dù vậy, năm 2024 cũng ghi nhận sự phục hồi nhẹ của Trung Quốc sau một năm 2023 đầy khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc năm nay đạt 165 tỷ USD – tương đương với năm ngoái – sau khi đã sụt giảm 10% trong năm 2023.
Đứng thứ hai về giá trị xuất khẩu là Bangladesh, với 38 tỷ USD trong năm 2024 – tăng 7% bất chấp bất ổn trong nước do phong trào “Cách mạng Gió mùa”. Trước đó, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước này đã giảm tới 21%.
Tuy nhiên, thị phần toàn cầu của Bangladesh lại giảm nhẹ, từ 7,4% còn 6,9%. Vào năm 2000, tỷ lệ này chỉ là 2,6%, tăng lên 4,2% năm 2010 và tăng mạnh trong thập kỷ qua khi dần thay thế phần thị phần mà Trung Quốc để lại.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ ba, với kim ngạch xuất khẩu đạt 34 tỷ USD – tăng 9% so với năm ngoái (trước đó giảm 12% năm 2023). Thị phần của Việt Nam cũng nhích nhẹ, từ 6% lên 6,1%, gần gấp đôi so với năm 2010.
Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ tư với 18 tỷ USD xuất khẩu hàng may mặc, chiếm 3,2% thị phần toàn cầu – giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm trước. Trong bối cảnh lạm phát cao, quốc gia này là nước duy nhất trong top 10 có mức giảm kim ngạch, giảm 4% trong năm 2024 sau khi đã giảm 6% vào năm 2023.
Ấn Độ xếp thứ năm, với 16 tỷ USD xuất khẩu – tăng 6% so với năm ngoái, sau cú giảm mạnh 13% năm 2023. Tuy nhiên, thị phần của Ấn Độ vẫn duy trì ở mức 2,9%, gần như không thay đổi suốt từ năm 2000 đến nay.
Campuchia tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt kim ngạch 10 tỷ USD – tăng tới 24% trong năm 2024 sau khi giảm 13% năm trước. Thị phần toàn cầu của nước này tăng từ 1,5% lên 1,8% – mức tăng cao nhất trong top 10.
Pakistan lần đầu tiên lọt vào top 10, thay thế Hong Kong. Xuất khẩu hàng may mặc của nước này đạt 9 tỷ USD – tăng 15% – và chiếm 1,7% thị phần toàn cầu.
Indonesia đứng cuối trong nhóm 10 nước xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu, với 9 tỷ USD kim ngạch – tăng 5% so với năm trước và chiếm 1,6% thị phần.
Ngoài các nước sản xuất, Liên minh châu Âu và Mỹ cũng nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu hàng thời trang hàng đầu. Tuy nhiên, xuất khẩu của hai nền kinh tế này chủ yếu đến từ các thương hiệu thời trang lớn, không phải từ hoạt động sản xuất như các quốc gia châu Á.
Năm 2024, EU xuất khẩu hàng thời trang trị giá 166 tỷ USD – tăng 2% – chiếm 29,7% thị phần và chính thức vượt Trung Quốc. Mỹ đứng cuối bảng, với 7 tỷ USD xuất khẩu – giảm 2% – chiếm 3% thị phần toàn cầu.
Theo Modaes
>> Phát hiện ‘kho báu' 700 triệu tỷ USD giữa vũ trụ, NASA tiến hành sứ mệnh chưa từng có