Trung Quốc sắp ‘đóng cửa hải quan’ toàn bộ đảo Hải Nam: Chuyện gì xảy ra?
Chính phủ Trung Quốc vừa chính thức công bố mốc thời gian thực hiện “đóng cửa hải quan” – tức thiết lập khu vực giám sát hải quan đặc biệt – đối với toàn bộ đảo Hải Nam. Đây được xem là cột mốc chiến lược trong lộ trình đưa Hải Nam trở thành trung tâm thương mại tự do và hội nhập quốc tế hàng đầu của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện tổ chức ngày 23/7, ông Vương Xương Lâm – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc – cho biết, sau khi được Trung ương phê chuẩn, ngày “đóng cửa hải quan” chính thức đã được ấn định là 18/12 năm nay.

Theo ông Vương, kể từ khi “Phương án tổng thể xây dựng cảng thương mại tự do Hải Nam” được ban hành năm 2020, Trung Quốc đã triển khai loạt sáng kiến cải cách và thử nghiệm, dần hoàn thiện hệ thống chính sách đặc thù cũng như cơ chế vận hành cho mô hình cảng thương mại tự do.
Hải Nam thành khu vực hải quan đặc biệt, áp dụng chính sách siêu ưu đãi
Việc “đóng cửa hải quan” sẽ biến toàn bộ đảo Hải Nam thành khu vực giám sát hải quan đặc biệt, vận hành theo nguyên tắc “mở tuyến một, kiểm soát tuyến hai và tự do trong đảo”. Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách tự do hóa thương mại, đầu tư và quản lý hải quan sẽ được áp dụng mạnh mẽ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Một điểm nổi bật là chính sách “không thuế quan” được mở rộng đáng kể: tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu qua “tuyến một” được hưởng thuế suất 0% sẽ tăng từ 21% lên tới 74%. Đồng thời, các sản phẩm chế biến tại Hải Nam có giá trị gia tăng từ 30% trở lên sẽ được miễn thuế hoàn toàn khi đưa vào nội địa Trung Quốc.
Bên cạnh ưu đãi thuế, các biện pháp quản lý thương mại cũng sẽ được nới lỏng, tạo điều kiện cho các mặt hàng trước đây bị hạn chế hoặc cấm nhập khẩu. Hệ thống thông quan sẽ được tối ưu hóa, với 8 cảng quốc tế đóng vai trò “tuyến một” và 10 cảng nội địa, như cảng Tân Hải Khẩu hay Nam Hải Khẩu, làm “tuyến hai”, giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng giữa Hải Nam và các khu vực khác của Trung Quốc.
Các cơ quan chức năng khẳng định, việc “đóng cửa hải quan” sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân, phương tiện và du khách giữa Hải Nam và phần còn lại của Trung Quốc. Ngoại trừ một số ít mặt hàng đặc biệt phải kiểm tra, phần lớn hàng hóa và vật phẩm sẽ tiếp tục được lưu thông theo quy định hiện hành, không phát sinh thủ tục mới.
Việc chính thức triển khai cơ chế “đóng cửa hải quan” được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho kinh tế Hải Nam, đưa hòn đảo này trở thành một trung tâm thương mại tự do tầm cỡ quốc tế – tương tự Hồng Kông hay Singapore. Đây cũng là bước đi quan trọng trong chiến lược mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng và thương mại.
Theo Xinhua
>> Xiaomi dùng 1.000 robot đối đầu trực diện với Tesla, cứ 76 giây lại lắp ráp xong 1 chiếc ô tô