Trong cuộc chạy đua nâng CASA, chất lượng phục vụ sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn của các ngân hàng.
Việc tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được xem là một trong những trọng tâm phát triển của nhiều ngân hàng thời gian gần đây. TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, cạnh tranh CASA giữa các ngân hàng thời gian tới sẽ ngày càng cam go hơn.
Báo cáo tài chính quý III/2021 ghi nhận tỷ lệ CASA ở nhiều nhà băng cao, vượt trên 30%. TS. Hiếu cho rằng, yếu tố giúp tỷ lệ CASA của các ngân hàng tăng nhanh phần nhiều là kết quả từ đầu tư số hoá tại các ngân hàng, ngân hàng nào nhanh chân hơn trong việc số hóa hoạt động thì bây giờ kết quả nhận lại sẽ càng rõ nét hơn.
Đơn cử, TPBank, MB, Techcombank, HDBank… đều có sự tăng trưởng CASA tốt, cũng là những ngân hàng đầu tư rất lớn cho ngân hàng số từ nhiều năm nay.
Có thể nói, tỷ lệ CASA là một trong những xu hướng của ngân hàng hiện đại, thể hiện sự thay đổi rõ rệt của tốc độ số hoá cũng như thói quen thanh toán của khách hàng.
Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng triển khai mở tài khoản qua định danh điện tử (eKYC) là một trong những giải pháp đột phá để rút ngắn khoảng cách tiếp cận giữa ngân hàng với khách hàng, làm gia tăng tệp khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số của các nhà băng. COVID-19 ngăn cản tiếp xúc trực tiếp càng khiến cho dịch vụ này được đẩy mạnh, bởi chỉ cần vài phút là khách hàng có thể mở một tài khoản ngân hàng chỉ thông qua nền tảng trực tuyến.
Bàn về những tác động của tăng trưởng CASA tới hoạt động của các ngân hàng, ông Hiếu cho biết, CASA càng được cải thiện thì nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng càng tăng. Chi phí đầu vào thấp tất yếu sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong giảm lãi suất cho vay. Năm 2022, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ giảm do việc nỗ lực hạ lãi suất cho vay của ngân hàng, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Thêm nữa, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được dự báo sẽ trên 2% vào năm 2021 và có thể tăng lên 2,3 - 3,5% trong năm 2022, thậm chí còn có thể tăng cao hơn khi quy định cơ cấu lại nợ hết hiệu lực. Điều này buộc các ngân hàng phải tăng thêm nguồn lực dự phòng rủi ro.
Do vậy, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA cao, NIM sẽ cải thiện tích cực và ngược lại. Theo đó, sẽ có sự phân hoá biên lãi ròng giữa các ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra phương án để các ngân hàng nâng tỷ lệ CASA. Ông cho biết: “Trước khi nói tới sự tăng trưởng thì ngay bản thân việc duy trì tỷ lệ CASA ổn định trong một thời gian dài đã là câu chuyện không đơn giản, và liên quan nhiều tới chất lượng dịch vụ”.
Dịch COVID-19 khiến thói quen của khách hàng thay đổi, nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng cao hơn rất nhiều, đặc điểm của CASA là không ổn định, người gửi tiền có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nếu một ngân hàng không chú trọng phát triển dịch vụ số, kết nối được nhiều hệ sinh thái hơn phục vụ cho những nhu cầu phong phú của khách hàng có thể dẫn tới việc khách hàng sẽ lựa chọn một ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn hoặc rút tiền ra để đầu tư những kênh khác. Điều này sẽ dẫn tới sụt giảm CASA tại các ngân hàng. Đặc biệt, ở những nhà băng có quy mô nhỏ, khó mà chạy đua tăng trưởng CASA cao như các ngân hàng lớn thì việc quan tâm tới chất lượng phục vụ khách hàng sẽ là một lợi thế cạnh tranh.
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ CASA rất cao, thậm chí trên 50% là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, TS. Hiếu cho rằng, điều quan trọng là sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng phải phù hợp với nhu cầu của khách hàng, gia tăng sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân… “Khi ngân hàng “lấy lòng” được khách hàng bằng dịch vụ, bằng sản phẩm thì tự khắc sẽ giữ được chân họ ở lại với ngân hàng lâu hơn”, ông Hiếu cho biết thêm.