Từng thất bại 6 năm trước, Thế Giới Di Động quyết định trở lại cuộc chơi nóng cùng Shopee, Lazada, TikTok Shop: 'Quân bài tẩy' mang tên MWG Shop
MWG từng ra mắt sàn vuivui.com nhưng phải đóng cửa chỉ sau hơn một năm hoạt động.
Sau hơn 6 năm vắng bóng trên thị trường thương mại điện tử, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) chính thức tái gia nhập sân chơi này bằng việc ra mắt nền tảng MWG Shop vào ngày 15/5/2025. Đây là bước đi chiến lược, đánh dấu quá trình số hóa hệ sinh thái bán lẻ của doanh nghiệp sau nhiều năm tập trung vào mảng cửa hàng vật lý.
MWG Shop không phải là một sàn thương mại điện tử độc lập, mà được tích hợp trực tiếp trong ứng dụng chăm sóc khách hàng Quà Tặng VIP – nơi quy tụ người dùng thân thiết từ các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, TopZone và AVAKids.
![]() |
Thế Giới Di Động ra mắt nền tảng MWG Shop |
>> Ồn ào The Coffee House bịt ổ điện, đuổi khéo khách ngồi lâu, thực hư ra sao?
Nền tảng này cho phép người dùng mua sắm đa dạng ngành hàng từ điện thoại, thiết bị điện tử, đồ gia dụng đến thực phẩm, đồ uống và sản phẩm cho trẻ em. Giao diện MWG Shop giữ phong cách quen thuộc như các website bán lẻ của công ty, đi kèm các tiện ích như tra cứu đơn hàng, định vị cửa hàng, và cập nhật ưu đãi mới nhất. Tuy nhiên, hai chuỗi chuyên về hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm là Bách Hóa Xanh và An Khang vẫn chưa được tích hợp vào MWG Shop ở thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy chiến lược ban đầu của MWG đang tập trung vào nhóm ngành hàng có khả năng vận hành tốt và lợi nhuận cao hơn.
Trước đó vào năm 2017, MWG từng ra mắt sàn vuivui.com nhưng phải đóng cửa chỉ sau hơn một năm hoạt động do gặp khó khăn về chi phí vận hành và cạnh tranh khốc liệt. Từ đó đến nay, công ty chỉ duy trì các kênh bán hàng online riêng biệt cho từng chuỗi, không đầu tư vào một nền tảng thương mại điện tử tổng hợp.
Lần trở lại này, MWG cho thấy một chiến lược “đánh chắc, tiến chậm” khi tận dụng tệp khách hàng sẵn có, hệ thống hậu cần rộng khắp và kinh nghiệm bán lẻ tích lũy hơn một thập kỷ. Việc tích hợp MWG Shop vào một ứng dụng thân quen giúp công ty giảm chi phí thâu tóm người dùng, đồng thời giữ chân nhóm khách hàng trung thành – lợi thế mà các sàn thương mại điện tử nước ngoài khó có thể cạnh tranh.
![]() |
MWG Shop đa dạng ngành hàng từ điện thoại, thiết bị điện tử, đồ gia dụng đến thực phẩm, đồ uống và sản phẩm cho trẻ em |
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài thừa nhận mô hình mở rộng chuỗi truyền thống đã tiệm cận giới hạn. Thay vì tiếp tục mở thêm cửa hàng vật lý, MWG sẽ tập trung tối ưu các kênh phân phối hiện có, trong đó đẩy mạnh thương mại điện tử là một hướng đi tất yếu. Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng – tăng lần lượt 12% và 30% so với năm trước. MWG Shop được xem là một trong những động lực mới để hiện thực hóa các mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến.
Với hơn 5.000 cửa hàng phủ khắp toàn quốc, năng lực giao hàng nhanh, dịch vụ lắp đặt – bảo hành tận nơi và đội ngũ nhân sự có sẵn, MWG có thể tạo nên mô hình TMĐT “lai” – kết hợp giữa công nghệ số và năng lực vận hành truyền thống, tạo khác biệt rõ rệt với các đối thủ thuần online.
Sự trở lại của MWG diễn ra trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt, với sự áp đảo từ các tên tuổi như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop. Trong khi đó, MWG không chọn con đường “đốt tiền” khuyến mãi mà tập trung vào trải nghiệm mua sắm liền mạch online – offline, dịch vụ hậu mãi tốt và niềm tin thương hiệu.
Việc ra mắt MWG Shop không chỉ giúp Thế Giới Di Động mở ra một kênh tăng trưởng mới, mà còn thể hiện nỗ lực chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn thị trường bán lẻ đang tái cấu trúc. Dù còn quá sớm để khẳng định thành công, nhưng rõ ràng MWG đang cho thấy một tầm nhìn dài hạn, khi chuyển từ mở rộng quy mô sang tối ưu vận hành và làm chủ trải nghiệm khách hàng đa kênh.
>> Hơn 70% người Việt đang mua thực phẩm chức năng theo kiểu chơi xổ số