Tuyến đường bộ 9.000 tỷ là cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, cảnh quan hai bên ấn tượng, được cánh tài xế cực yêu thích
Tuyến đường này được đánh giá là gây ấn tượng với người tham gia giao thông bởi có hàng cây xanh đẹp mắt và tốc độ xe chạy lên tới 120km/h.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là điểm nối tiếp của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thông xe và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2012. Tuyến đường được khởi công gói thầu đầu tiên vào ngày 07/01/2006, khởi công gói thầu cuối cùng vào ngày 02/11/2009, chiều dài toàn tuyến là 50km, điểm cuối tuyến tại Km 260+030 (Quốc lộ 10). Tổng mức đầu tư của dự án là 8.974 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư gồm 800 tỷ đồng vốn điều lệ của VEC và 8.174 tỷ đồng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Đường rộng 6 làn xe tổng cộng 35,5m. Các nút giao đều được thiết kế giao thông khác mức, có hệ thống an toàn giao thông, thông tin tín hiệu và trạm dịch vụ trên đường. Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc này bao gồm ôtô con, xe khách, xe tải, xe container từ 20 đến 40 fit. Riêng môtô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy nổ, xe quá khổ, quá tải bị cấm hoàn toàn.
Từ sau khi đi vào hoạt động, đây là tuyến đường được nhiều cánh lái xe yêu thích. Ấn tượng đầu tiên là ô tô được chạy vận tốc tối đa 120km/h dù mỗi chiều đường chỉ có 2 làn xe chạy và 1 làn dừng khẩn cấp, còn hệ thống cây xanh được trồng hai bên đường tạo cảm giác mát mắt, cảnh quan khác lạ. Dù nhìn từ trên cao hay ngay sau vô lăng, nhiều tài xế lẫn người ngồi trong xe vẫn cảm thấy thích thú.
Dàn cây xanh bên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn tạo bóng mát, giúp giảm chói lóa gây ra từ ánh sáng mặt trời hoặc đèn đường, tạo môi trường lái xe an toàn hơn. Có ý kiến cho rằng, hệ thống cây xanh bên đường còn giúp làm giảm khí thải và cải thiện chất lượng không khí, tạo ra môi trường yên tĩnh hơn cho các khu dân cư gần đó.
Việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian, chi phí vận chuyển... đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, TP Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình...
Với vận tốc tối đa 100km/h, nay các phương tiện chỉ mất hơn 1 giờ để đi từ Hà Nội đến Ninh Bình (80km) thay vì trải qua gần 2,5 tiếng như trước đây trên đường Quốc lộ 1 cũ. Tuyến đường này được quản lý bằng hệ thống giao thông thông minh, có camera giám sát khắp nơi, hệ thống đếm xe, đo tốc độ. Tất cả dữ liệu đều được đưa về trung tâm điều hành để phân tích. Nếu có xe gặp nạn hay vi phạm tốc độ, cảnh sát giao thông sẽ kịp thời đến hiện trường xử lý.
Từ tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, du khách có thể dễ dàng di chuyển tới các điểm du lịch như: Chùa Bái Đính, Cố Đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Vườn Chim Thung Nham, rừng Cúc Phương, Tràng An, Tam Cốc Bích Động...
Bên cạnh đó, khi đến Ninh Bình, du khách cũng không thể bỏ qua các đặc sản cơm cháy, thịt dê tái chanh, dê xào lăn, dê nướng, cua đồ rang lá lốt, gỏi cá nhệch...
Xử lý nghiêm 'cò mồi' nhận đổi giấy phép lái xe
Chính thức từ 1/2025, áp dụng mẫu giấy phép lái xe mới, đến năm 2026 tiếp tục có sự thay đổi