Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đáp ứng khoảng 133 triệu hành khách/năm
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.541km và đi qua 20 tỉnh, thành phố.
Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đang được lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước, liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDI SOUTH đã đề xuất Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố trên hàng lang kinh tế Bắc - Nam với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/h, tải trọng trục 22,5 tấn/trục; bố trí 23 ga khách (quy hoạch 3 ga khách tiềm năng); 5 ga hàng hóa; 5 depot tàu khách, 4 depot tàu hàng; 40 trạm bảo dưỡng hạ tầng.
Ảnh minh hoạ: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố |
>> Bộ GTVT: Tốc độ trên đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải là 350km/h mới khả thi
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ có năng lực đáp ứng khoảng 133,5 triệu hành khách/năm (đối với tàu thông tuyến Bắc - Nam); vận chuyển hàng hóa đáp ứng khoảng 21,5 triệu tấn hàng hóa/năm (chưa bao gồm năng lực 18,5 triệu tấn/năm của tuyến đường sắt hiện hữu).
Căn cứ theo mức độ tin cậy, hiệu quả, kinh nghiệm các nước trên thế giới, đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray cho dự án.
Về công năng vận tải, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho biết, xét trên góc độ tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, thì vận tải hàng hóa đường biển/đường sông vận chuyển khối lượng lớn nhất, chi phí thấp nhất; đường sắt là phương thức vận chuyển khối lượng lớn, chi phí trung bình; đường bộ vận chuyển thuận lợi nhất, chi phí cao; hàng không vận chuyển nhanh nhất, chi phí cao nhất.
Đối với vận tải hành khách, cự ly ngắn dưới 150km ưu thế thuộc về đường bộ; cự ly trung bình 150-800km ưu thế thuộc về đường sắt tốc độ cao; cự ly dài trên 800 km ưu thế thuộc về hàng không và đường sắt tốc độ cao.
Từ kinh nghiệm quốc tế, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại và kết quả dự báo nhu cầu vận tải, đơn vị tư vấn kiến nghị đường sắt tốc độ cao có công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa (hàng nặng, hàng rời, hàng lỏng...) và khách du lịch chặng ngắn.
>> Đón tin vui từ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hai cổ phiếu bất ngờ tăng kịch trần
Tập đoàn Đèo Cả muốn doanh nghiệp Trung Quốc cùng tham gia làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam 70 tỷ USD