Vàng có phải kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn?
So với các lựa chọn đầu tư sinh lời khác trên thị trường bao gồm: cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, liệu vàng có phải kênh đầu tư hấp dẫn?
Năm 2023, trước tình hình kinh tế suy thoái cùng những biến động không ngừng của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, tại Việt Nam, kênh đầu tư vàng được nhà đầu tư chú ý hơn cả. Có thời điểm giá vàng tăng lên đến 80 triệu đồng/lượng.
>> Giá vàng tăng vượt 80 triệu đồng/lượng: Như đấu giá, chuyên gia dự báo bất ngờ
Tuy vậy, nếu lựa chọn vàng là kênh đầu tư nắm giữ dài hạn, liệu đây có thực sự là lựa chọn tốt giữa các tài sản đầu tư sinh lời khác?
Nhìn từ quá khứ, liệu vàng có phải kênh đầu tư tốt trong dài hạn?
Để trả lời câu hỏi trên, WiResearch đã tiến hành so sánh tỷ suất sinh lời của 4 tài sản đầu tư bao gồm: cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu và vàng trong giai đoạn 5 năm (2016-2021), 10 năm (2011-2021) và 15 năm (2006-2021).
Kết quả cho thấy, ở cả 3 giai đoạn, vàng là lớp tài sản đầu tư kém hấp dẫn bởi mức sinh lời đem lại khá thấp so với các loại tài sản khác nếu lựa chọn nắm giữ dài hạn.
Cụ thể, nếu đầu tư vàng trong 5 năm (2016-2021), tỷ suất sinh lời là 6,10%. Trong khi đó, nếu đầu tư vào cổ phiếu hay bất động sản, tỷ suất sinh lời gấp đôi, lần lượt đạt 19,20% và 12,10%.
Trong khoảng thời gian dài hơn là 15 năm (2006-2021), việc đầu tư vàng đem lại tỷ suất sinh lời 7,20%, kém hấp dẫn hơn so với cổ phiếu (10,8%), bất động sản (11,5%) và trái phiếu (9,1%).
Tỷ suất sinh lời 5-15 năm của 1 số tài sản đầu tư |
Với số vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu đồng, nếu đầu tư vàng trong 5 năm (2016-2021), nhà đầu tư sẽ nhận lại 134 triệu đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư sẽ nhận được 241 triệu đồng nếu đầu tư vào cổ phiếu, 177 triệu đồng nếu đầu tư vào bất động sản.
Nếu lựa chọn đầu tư vào vàng trong 15 năm (2006-2021), nhà đầu tư sẽ thu được 284 triệu nếu trong năm 2021. Trong khi dữ liệu lịch sử cho thấy, với cùng một số tiền để đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ nhận lại 463 triệu đồng trong cùng thời điểm.
Như vậy, dữ liệu từ quá khứ cho thấy, so với các loại tài sản đầu tư khác, vàng là kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất nếu xét về mức sinh lời do tài sản này tạo ra trong dài hạn.
Rủi ro của đầu tư vàng?
Bên cạnh đó, WiResearch chỉ ra rủi ro của của kênh đầu tư vàng đến từ giá vàng bị giao động mạnh với các yếu tố trên thị trường, đặc biệt phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới. Chuyên gia chỉ ra, trong 15 năm (2006-2021), giá vàng có sự biến động qua các giai đoạn:
Hệ số tương quan dương giữa giá vàng và môi trường vĩ mô trong dài hạn |
Giai đoạn 2006-2011: Giá vàng tăng do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giai đoạn 2011-2016: Biến động mạnh, tăng vào đầu giai đoạn và sau đó giảm mạnh do tác động đồng đô la tăng giá.
Giai đoạn 2016-2018: Giá vàng ít biến động khi kinh tế toàn cầu ổn định.
Giai đoạn 2019-2021: Giá tăng nhanh và liên tục do tình hình kinh tế - xã hội đảo lộn khi phải đối mặt đại dịch toàn cầu.
Như vậy, từ các sự kiện đã diễn ra và kết quả hệ số tương quan cho thấy, giá vàng bị giao động mạnh bởi các yêu tố trên thị trường. Năm 2024, trước những dự báo về diễn biến kinh tế vĩ mô, chuyên gia nhận định giá vàng sẽ tiềm ẩn nhiều biến động lớn trong năm Giáp Thìn.
Trước cơ hội và rủi ro, WiResearch cho rằng vàng không phải kênh đầu tư tốt trong dài hạn khi xem xét dữ liệu thống kê của các kênh đầu tư trong quá khứ. Do đó, chuyên ra nhấn mạnh, vàng nên được xem là tài sản phòng thủ bảo vệ giá trị tài sản danh mục trong thời kỳ nền kinh tế bất ổn, suy thoái thay vì đặt vàng ở vị trí tài sản đầu tư sinh lời trong danh mục đầu tư.
>> Giá vàng có thể đảo chiều, không nên bỏ hết trứng vào một giỏ
Giá vàng hôm nay (25/1): 'Cắm đầu' giảm sâu
Phân khúc bất động sản nào 'vượt mặt' chứng khoán và vàng tại TP. HCM suốt một thập kỷ qua?