Thế giới

Vị hoàng đế 'cõng rắn cắn gà nhà', nhượng 16 châu để lên ngôi, cuối cùng phải chịu tiếng nhơ muôn đời sử sách

Loan Loan 24/07/2025 01:08

Hậu Tấn Cao Tổ, vị Hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Tấn, đã ghi tên mình vào lịch sử Trung Hoa vì hành động cấm kỵ: nhượng 16 châu cho người Khiết Đan để đổi lấy sự hậu thuẫn. Hành động này vừa giúp ông lên ngôi, vừa mở ra hàng thế kỷ bất ổn nơi biên giới Trung Nguyên.

Hậu Tấn Cao Tổ, tên thật là Thạch Kính Đường, là người khai sinh ra vương triều Hậu Tấn. Ông xuất thân từ một gia đình người Sa Đà tại vùng biên giới phía Tây Bắc Trung Hoa. Cha ông là một thủ lĩnh có ảnh hưởng trong bộ tộc, còn bản thân Thạch Kính Đường từ nhỏ đã học cả văn hóa Hán lẫn truyền thống Sa Đà, sớm nổi tiếng về tài cưỡi ngựa, bắn cung của mình.

Nhờ lập nhiều công trạng trong các cuộc chiến chống lại triều Hậu Lương, Thạch Kính Đường được Lý Tự Nguyên, một nhân vật quyền lực của triều Hậu Đường, đánh giá cao, trọng dụng và cho chỉ huy thân binh. Ông đã giúp Lý Tự Nguyên cướp ngôi Hoàng đế, được giao cho giữ chức vụ Tiết độ sứ ở nhiều trấn. Sau một thời gian biểu hiện tốt, Lý Tự Nguyên cũng quyết định gả con gái cho Thạch Kính Đường.

Vị hoàng đế 'cõng rắn cắn gà nhà', nhượng 16 châu để lên ngôi, cuối cùng phải chịu tiếng nhơ muôn đời sử sách - ảnh 1
Chân dung Thạch Kính Đường. Ảnh: National Museum of China.

Sau khi Lý Tự Nguyên qua đời, con nuôi của Lý Tự Nguyên là Lý Tòng Kha lên ngôi Hoàng đế. Lý Tòng Kha bắt đầu nghi ngờ người em rể Thạch Kính Đường, lo sợ ông sẽ gây ảnh hưởng và đe dọa tới uy tín của mình. Năm 936, Lý Tòng Kha quyết định cử quân tấn công Thạch Kính Đường, buộc ông phải lựa chọn giữa việc chiến đấu một mình hay tìm đồng minh giúp đỡ.

Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Thạch Kính Đường gửi thư cầu cứu Gia Luật Đức Quang, Hoàng đế Khiết Đan ở phương Bắc. Để đổi lấy sự hỗ trợ về mặt quân sự, ông hứa nhượng lại 16 châu (gọi là Yên Vân Thập Lục Châu), một dải đất chiến lược nằm dọc biên giới, bao gồm cả vùng Bắc Kinh ngày nay cho Khiết Đan nếu thành công chống lại được Lý Tòng Kha. Theo sử liệu Trung Quốc, trong thư, ông thậm chí còn nịnh bợ, gọi Gia Luật Đức Quang là "cha nuôi" để bày tỏ sự thần phục sâu sắc.

Vị hoàng đế 'cõng rắn cắn gà nhà', nhượng 16 châu để lên ngôi, cuối cùng phải chịu tiếng nhơ muôn đời sử sách - ảnh 2
Thạch Kính Đường bị Lý Tòng Kha nghi ngờ. Ảnh: Pictures from History.

>> Vị vua nổi danh vì nghiện ‘ăn cắp vặt’ và niềm đam mê kỳ lạ với phim đồi trụy, cuối cùng phải chết tức tưởi nơi đất khách

Nhận được thư, Hoàng đế Khiết Đan vui mừng nhận lời, lập tức cho binh lính cùng Thạch Kính Đường tiến về Lạc Dương. Khi liên quân của Thạch Kính Đường và Khiết Đan đánh bại quân Hậu Đường, Lý Tòng Kha cùng hoàng thất và các triều thần trung thành tự thiêu tập thể tại kinh thành. Cuối cùng, Thạch Kính Đường lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Hậu Tấn.

Sau khi lên ngôi, Thạch Kính Đường giữ đúng lời hứa: ông chính thức trao 16 châu cho người Khiết Đan. Trước mắt, việc này giúp ông củng cố quyền lực và mang lại sự ổn định tạm thời. Tuy nhiên, tính về lâu dài, hành động ấy lại trở thành cơn ác mộng địa chính trị của Trung Hoa khi mất đi phòng tuyến tự nhiên ở phía Bắc, Trung Nguyên trở nên dễ bị tấn công hơn.

Vị hoàng đế 'cõng rắn cắn gà nhà', nhượng 16 châu để lên ngôi, cuối cùng phải chịu tiếng nhơ muôn đời sử sách - ảnh 3
Thạch Kính Đường nhượng 16 châu cho người Khiết Đan. Ảnh: News.QQ.

Các nhà sử gia đều đồng ý rằng đây là một bước ngoặt nghiêm trọng tác động lớn đến tình hình chính trị của Trung Hoa một thời gian dài sau đó, khi dải đất này trở thành bàn đạp cho các cuộc xâm lược của người Khiết Đan và sau này là Mông Cổ. Mãi đến thời Minh, sau hơn 400 năm, vùng đất này mới được thu hồi.

Sử sách Trung Quốc thường mô tả Thạch Kính Đường là kẻ "cõng rắn cắn gà nhà", bán rẻ đồng bào để đổi lấy quyền lực. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu hiện đại lại cho rằng, trong bối cảnh rối ren của Ngũ Đại Thập Quốc, khi triều Hậu Đường đã suy yếu, lựa chọn của ông là thực tế, giúp tránh được nội chiến kéo dài và cứu vãn mạng sống của hàng vạn người.

Dẫu vậy, sự phụ thuộc của ông vào người Khiết Đan đã khiến hình ảnh của ông trong lịch sử bị mang tiếng nhơ muôn đời. Sau khi qua đời năm 942, con nuôi ông kế vị, nhưng không còn giữ được mối quan hệ tốt với người Khiết Đan, dẫn tới việc Hậu Tấn nhanh chóng sụp đổ chỉ vài năm sau đó.

Theo: The Cambridge History of China, Cambridge History of Inner Asia, Tư trị thông giám, Tân Ngũ Đại sử, Sohu.

>> Vị vua chết vì bị ‘trời phạt’, dám liều mình thách thức thần linh, cuối cùng phải trả giá bằng cả mạng sống

Vị vua chết vì bị ‘trời phạt’, dám liều mình thách thức thần linh, cuối cùng phải trả giá bằng cả mạng sống

Vị vua nổi danh vì nghiện ‘ăn cắp vặt’ và niềm đam mê kỳ lạ với phim đồi trụy, cuối cùng phải chết tức tưởi nơi đất khách

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/vi-hoang-de-cong-ran-can-ga-nha-nhuong-16-chau-de-len-ngoi-cuoi-cung-phai-chiu-tieng-nho-muon-doi-su-sach-147070.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị hoàng đế 'cõng rắn cắn gà nhà', nhượng 16 châu để lên ngôi, cuối cùng phải chịu tiếng nhơ muôn đời sử sách
    POWERED BY ONECMS & INTECH