Sống

3 kỷ lục của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng

Thùy Dung 07/02/2024 00:02

Sau hơn 2 năm vận hành, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này đã xác lập được nhiều kỷ lục mới.

Những kỷ lục ấn tượng

Đầu năm nay, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị quản lý, vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông) đã thông tin về kết quả vận hành 2 năm đầu tiên. Đây cũng là thời điểm các đoàn tàu hết thời gian bảo hành, việc quản lý, vận hành tàu hiện nay là nhân sự người Việt Nam.

Hình ảnh tàu Cát Linh - Hà Đông

Hình ảnh tàu Cát Linh - Hà Đông

Theo Báo Tiền phong, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho hay: Tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu đưa vào vận hành từ ngày 6/11/2021 và đến tháng 1/2024 là tròn 26 tháng, trong đó từ 6/11/2023 dự án hết 24 tháng (2 năm) bảo hành.

Từ tháng 11/2023 đến nay, các đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoàn toàn do đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và lái tàu là người Việt Nam, cụ thể là Công ty Hanoi Metro.

Về kết quả vận hành, ông Trường cho biết, đến hết năm 2023 (sau 26 tháng vận hành) tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách. Riêng trong tháng 9 năm 2023 tàu đã lập ba kỷ lục:

Thứ nhất, trong ngày 2/9/2023 tàu đã vận chuyển được số lượng khách cao nhất lên tới 5,6 vạn.

Thứ hai, trong một ngày làm việc, không phải ngày nghỉ lễ (tức ngày 28/9/2023) tàu đã vận chuyển được 37 nghìn lượt hành khách.

Kỷ lục thứ ba, trong tháng 9/2023, tàu đã vận chuyển được con số trên 1 triệu lượt hành khách.

Số lượng khách đi tàu đông cho thấy nhiều dấu hiện tích cực

Số lượng khách đi tàu đông cho thấy nhiều dấu hiện tích cực

Thông tin về lưu lượng khách đi tàu hằng ngày, lãnh đạo Hanoi Metro cho biết: Khi mới vận hành, vào các ngày cuối tuần, tàu vận chuyển được trên dưới 30 nghìn hành khách. Hiện tại, con số này từ 22-24 nghìn hành khách. Tuy nhiên, vào các ngày làm việc, lượng hành khách dao động trong khoảng 35 nghìn - 36 nghìn.

"Lượng khách đi trải nghiệm tàu đã giảm, thay vào đó khách là người đi học, đi làm… có nhu cầu đi tàu thực sự, thường xuyên đã được duy trì. Thực tế này cũng được Sở GTVT Hà Nội báo cáo, trên dọc hành lang tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động đã giảm được mấy điểm ùn tắc trên đường", ông Trường nói và nhấn mạnh: Tàu Cát Linh - Hà Đông đã chứng minh bằng thực tiễn về tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lớn, văn minh và hiện đại.

Hơn cả một phương tiện

Thời gian hoàn thành và chính thức đi vào vận hành của tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông là 10 năm. Nhưng từ trước đó và trong khoảng thời gian xây dựng tàu tại Việt Nam thì ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như trong khu vực người dân đã sử dụng loại hình giao thông này từ khá lâu. Không cần nói xa xôi tới những quốc gia phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,.. ngay tại đất nước Thái Lan cùng trong khu vực Đông Nam Á đã xây dựng tàu cao tốc trên cao từ năm 1999.

Nhưng dù vậy, việc xây dựng thành công tuyến đường sắt trên cao này cũng đã giúp nâng tầm hệ thống công cộng của nước ta trở nên hiện đại hơn, sánh được với các quốc gia phát triển trong cùng khu vực và thế giới, khẳng định được sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của Việt Nam.

Hình ảnh tàu và ga tàu hiện đại

Hình ảnh tàu và ga tàu hiện đại

Bên cạnh đó, tàu cao tốc trên cao của Việt Nam được xây dựng khá hiện đại và có tính thẩm mỹ cao. Hệ thống thang lên xuống tại các nhà ga ngoài xây dựng thang bộ còn được lắp đặt cả thang cuốn để tại lợi cho việc di chuyển của hành khách, đặc biệt là những người khuyết tật. Các nhà ga cũng được thiết kế phù hợp với kiểu thời tiết nhiệt đới của Việt Nam, thiết kế dạng mái vòm nhưng không che hết nhà ga giúp đáp ứng được tiêu chí thoáng mát vào mùa hè nhưng vẫn che chắn mưa nắng cực tốt. Bên trong nhà ga có quầy bán vé và nhân viên phục vụ tại nhà ga vô cùng lịch sự, chuyên nghiệp.

Với những bạn trẻ đam mê sống ảo thì chỉ cần đến một nhà ga chờ bất kỳ bạn cũng sẽ mang về cho mình một bộ ảnh vô cùng xịn sò, không hề kém cạnh những album ảnh chụp tại nhà ga tàu của nước ngoài thường thấy trên mạng.

Các ga tàu dọc tuyến trở thành điểm check-in yêu thích của giới trẻ

Các ga tàu dọc tuyến trở thành điểm check-in yêu thích của giới trẻ

Đặc biệt, sự ra đời của hệ thống tàu Cát Linh - Hà Đông cũng giúp ích rất nhiều cho ngành du lịch Thủ đô khi khách du lịch có thể dễ dàng hơn trong việc di chuyển tới các địa điểm tham quan trọng. Nhờ vậy, khách tham quan vừa có thể đảm bảo an toàn, tiện dụng và giảm tải chi phí để từ đó góp phần xây dựng hình ảnh ấn tượng của Thủ đô với du khách thập phương và bạn bè quốc tế.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) gồm: vốn vay của Chính phủ Trung Quốc tương đương 669,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam tương đương 198,42 triệu USD.

Dự án được Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Dự án có tổng chiều dài 13km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80km/h. Kế hoạch ban đầu là xây dựng trong 5 năm, sẽ hoàn thành vào năm 2013, được khởi công từ tháng 10/2011 và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.

Sau nhiều lần trễ hẹn do gặp nhiều khó khăn, vưỡng mắc, ngày 6/11/2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT chính thức bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào vận hành sau 10 năm khởi công xây dựng.

>> Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy thử vào 30/4 năm nay

Hầm đường sắt xuyên núi dài 9km bị ép nhỏ trong chưa đầy một tháng bởi lý do không ai ngờ tới

‘Quái vật sắt’ lớn nhất ngành đường sắt thế giới: Dài 7.300m, nặng 100.000 tấn và chỉ có duy nhất một người lái

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/3-ky-luc-cua-tuyen-duong-sat-do-thi-dau-tien-o-viet-nam-do-trung-quoc-ho-tro-xay-dung-d114486.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    3 kỷ lục của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng
    POWERED BY ONECMS & INTECH