Chỉ 1 tháng nữa, cầu lớn nhất vành đai chiến lược của Đông Nam Bộ sẽ thông xe: Rút ngắn quãng đường TP. HCM - Đồng Nai
Với việc thông xe trong tháng tới, cây cầu này đã về đích sớm 3 tháng so với tiến độ đề ra.
Cầu Nhơn Trạch là hạng mục trọng điểm trong dự án thành phần 1A (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM - tuyến vành đai quy mô và quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ.
Dự án thành phần 1A do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư có tổng chiều dài 8,22km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai (6,3km) và TP. HCM (1,92km) với tổng mức đầu tư hơn 6.955 tỷ đồng. Trong đó, cầu Nhơn Trạch là công trình lớn nhất trên toàn tuyến với tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng.

Cầu được thiết kế hiện đại với 5 nhịp dầm đúc hẫng, 34 nhịp dầm super T và 4 cầu cạn trên các nhánh đường dẫn tại nút giao với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tổng chiều dài cầu cạn lên tới 3.788m. Mặt cầu rộng 20,2m, bố trí 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, tốc độ thiết kế đạt 80km/h.
Theo báo Lao Động, tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng lũy kế của toàn dự án đạt khoảng 96%. Trong đó, gói thầu CW1 (xây dựng cầu Nhơn Trạch) đã hoàn thành 99%, còn gói thầu CW2 (xây dựng đường dẫn hai đầu cầu) đạt 92%. Các hạng mục như thảm bê tông nhựa, lan can, hệ thống chiếu sáng cơ bản đã hoàn thiện. Các đường dẫn hai bên cầu đang được gấp rút thi công để đảm bảo kết nối đồng bộ từ phía Đồng Nai sang TP. Thủ Đức (TP. HCM).
>> Sắp khởi công cầu treo dài nhất thế giới được ví như 'kỳ quan thứ 8', chịu được sức gió 300km/h
Đại diện nhà thầu cho biết, các mũi thi công đang hoạt động liên tục ngày đêm để đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 15/6, sẵn sàng đưa vào vận hành vào cuối tháng 6/2025.

Việc đưa cầu Nhơn Trạch vào khai thác được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá về kết nối hạ tầng giữa TP. HCM và Đồng Nai, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đến sân bay quốc tế Long Thành cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ. Cầu cũng kết nối trực tiếp với nút giao thuộc dự án thành phần 1, góp phần giảm tải cho tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, hỗ trợ phân luồng từ xa, giảm áp lực giao thông nội đô TP. HCM.
Về lâu dài, công trình không chỉ đóng vai trò là mắt xích chiến lược trong hệ thống giao thông liên vùng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực Đông Nam Bộ.