Chính thức hạ thủy tàu điện lớn nhất thế giới: Sở hữu bộ pin nặng tới 250 tấn, có thể chở hơn 2.000 hành khách và 225 phương tiện
Hull 096 không chỉ là tàu điện lớn nhất thế giới mà còn là phương tiện điện lớn nhất thuộc loại này từng được chế tạo.
Hồi đầu tháng 5, tại Hobart – thủ phủ bang Tasmania (Australia) – hãng đóng tàu Incat chính thức hạ thủy Hull 096, con tàu chạy điện lớn nhất từng được chế tạo.
Động thái đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới vận tải biển không phát thải.
Hull 096 là sản phẩm hợp tác giữa Incat và công ty vận tải Buquebus của Nam Mỹ, được thiết kế để vận chuyển hành khách và phương tiện qua sông Plate – vùng ranh giới giữa Argentina và Uruguay.
Con tàu hai thân khổng lồ này có thể chở tới 2.100 hành khách cùng 225 phương tiện, được đánh giá là một trong những bước tiến táo bạo nhất trong lĩnh vực giao thông đường thủy bền vững.

Chủ tịch Incat – ông Robert Clifford – chia sẻ: “Hơn 40 năm qua, chúng tôi đã xây dựng nhiều con tàu hàng đầu thế giới tại Tasmania. Nhưng Hull 096 là dự án tham vọng nhất, phức tạp nhất và cũng mang ý nghĩa lớn nhất trong sự nghiệp của chúng tôi”. Ông kỳ vọng đây sẽ là tiền đề để Incat mở rộng sản xuất các tàu thân thiện môi trường cho thị trường toàn cầu.
Sở hữu chiều dài 130m cùng bộ pin nặng tới 250 tấn và tổng dung lượng lắp đặt vượt 40 MWh, Hull 096 không chỉ là tàu điện lớn nhất hành tinh mà còn là phương tiện chạy điện lớn nhất từng được chế tạo trong phân khúc này. Năng lượng từ hệ thống pin được truyền tới 8 động cơ điện, giúp tàu vận hành mà không cần tới nhiên liệu hóa thạch.
“Hull 096 là minh chứng rõ ràng cho thấy những giải pháp vận tải quy mô lớn và phát thải thấp không chỉ nằm trên giấy – mà đã sẵn sàng hoạt động ngay từ hôm nay”, CEO Stephen Casey của Incat khẳng định.
Ngoài khả năng vận hành mạnh mẽ, con tàu còn sở hữu khoang nội thất ấn tượng. Điểm nhấn là khu mua sắm miễn thuế rộng tới 2.300m2 – tương đương diện tích của 100 căn nhà trung bình ở Australia – hứa hẹn trở thành không gian bán lẻ trên phà lớn nhất thế giới sau khi hoàn thiện.
Ban đầu, tàu có tên China Zorrilla và được lên kế hoạch sử dụng nhiên liệu LNG như 8 con tàu trước đó mà Buquebus đặt hàng. Tuy nhiên, Chủ tịch Incat sau đó đã quyết định chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ điện, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.
Dự kiến, Hull 096 sẽ chạy thử trên sông Derwent tại Tasmania trước khi bàn giao cho đối tác vào cuối năm nay.
Theo ông Liam Davies – giảng viên về quy hoạch đô thị và phát triển bền vững tại Đại học RMIT – việc Hull 096 đi vào hoạt động thường xuyên sẽ là cơ hội lý tưởng để đánh giá hiệu quả thực tiễn của điện khí hóa trong ngành vận tải biển.
Hiện tại, vận tải biển đang chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu mỗi năm, theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Theo Guardian, New Atlas
Hợp tác với nhà thầu Trung Quốc, dự án tàu điện ngầm hơn 90.000 tỷ đồng bất ngờ bị xóa sổ
Robot cao 70cm rủ 12 robot khác đào tẩu khỏi nơi làm việc, khiến giới công nghệ sửng sốt