Vĩ mô

Chuyên gia: Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn

Khúc Văn 19/01/2025 17:08

Bình luận về thực trạng của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia khẳng định, cho tới thời điểm hiện tại doanh nghiêp vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp có dấu hiệu suy giảm sau nhiều biến động tiêu cực

Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 giảm 1,4% so với 2023

Về thực trạng của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho hay, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực của người dân, doanh nghiệp có dấu hiệu suy giảm sau nhiều biến động tiêu cực.

Chuyên gia: Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn
Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 giảm 1,4% so với 2023.

Đáng nói, theo bà Nga, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 giảm 1,4% so với năm 2023. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã vượt mốc 100.000 doanh nghiệp, phần nào cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu.

“Bên cạnh đó, sức mua và nhu cầu trong nước giảm cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn”, bà Nga nhấn mạnh quan điểm.

Tuy nhiên, trong quý IV/2024, các doanh nghiệp đánh giá một số khó khăn đã có cải thiện hơn so với trước, gồm: Vốn cho sản xuất kinh doanh và nguồn cung nguyên vật liệu.

“18,5% doanh nghiệp nhận định vốn vẫn là yếu tố gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, 17,2% doanh nghiệp nhận định lãi suất vay vốn còn cao tuy đã được giảm”, bà Nga nhấn mạnh và cho biết, các con số này đã giảm so với quý trước.

Dù vậy, vẫn còn 4 nhóm khó khăn được các doanh nghiệp đánh giá là chưa được cải thiện, gồm: Giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải, kho bãi vẫn còn cao hay thủ tục hành chính còn phức tạp, lao động và năng lực nội tại của doanh nghiệp.

Trong hai tháng cuối năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Một yếu tố nữa là sự phát triển của thương mại điện tử cũng khiến nhiều cá nhân không lựa chọn thành lập doanh nghiệp mà chỉ cộng tác và tham gia vào khâu trung gian bán hàng trên những nền tảng số, sàn thương mại điện tử để giảm chi phí hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, những kết quả ấn tượng về xuất khẩu, sản xuất và thu hút nguồn vốn FDI đã góp phần khẳng định khu vực doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển tích cực nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, ngành sản xuất đang tồn tại những rủi ro tiềm tàng.

>>Nghị định 168 siết chặt nồng độ cồn: Chiến lược 'sinh tồn' của Heineken, Sabeco và các đối thủ ngành bia

Tâm lý thắt lưng buộc bụng ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường

Quan sát từ góc nhìn của mình, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, tổng cầu chưa bao giờ thấp như năm nay.

Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước, thấp hơn năm 2023 tăng 9,4%. Đặc biệt là nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,9% thấp hơn năm 2023 tăng 6,8% và đặc biệt thấp hơn hẳn các năm trước dịch COVID-19 đều tăng hai con số.

trên thị trường thế giới, đồng USD tăng giá trước khi dữ liệu lạm phát Hoa Kỳ được công bố
Tâm lý thắt lưng buộc bụng ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường.

Tâm lý "thắt lưng buộc bụng" và ưu tiên tích lũy tài chính của các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định đang ảnh hưởng trực tiếp đến khối doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản còn khó khăn kéo theo nhiều ngành lĩnh vực như: Xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất, dịch vụ bất động sản buộc phải rời khỏi thị trường. Bất động sản là lĩnh vực có quan hệ mật thiết tới 40 ngành nghề khác.

Bởi vậy, khi thị trường bất động sản đình trệ, thu nhập của người dân thấp, tiêu dùng sụt giảm sẽ kéo theo sự khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp, dẫn đến số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, tạm dừng hoạt động ở mức cao.

Để khắc phục những khó khăn trên, bà Phí Thị Hương Nga cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước một số chính sách, như: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng; cải cách thủ tục hành chính; giảm tiền thuê đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh,....

"Các nhóm ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, xi măng,..có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị về vốn và giá nguyên vật liệu cao, còn các ngành công nghiệp nặng, lắp ráp thì kiến nghị nhiều về thủ tục hành chính", bà Nga cho biết thêm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhận định trong năm 2025, thị trường bất động sản sẽ có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Vì vậy, các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu kiến nghị các thông tin đấu thầu cần công khai minh bạch hơn nữa, còn các doanh nghiệp vật liệu xây dựng thì kiến nghị về các biện pháp kích thích hoạt động xây dựng trong nước phát triển.

Về thủ tục hành chính, bà Nga cho biết các doanh nghiệp kiến nghị cần điện tử hoá các giao dịch, giấy tờ để tiết kiệm thời gian, hoạt động hiệu quả,…

Doanh nghiệp phân bón đầu tiên công bố KQKD quý IV/2024: Lợi nhuận sau thuế giảm gần 70%

Từ Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy đến Shark Hưng, CEO Xanh SM: Loạt 'sếp' doanh nghiệp gây sốt với giọng hát và khả năng 'đốt cháy' sân khấu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-doanh-nghiep-van-gap-nhieu-kho-khan-272245.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia: Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn
    POWERED BY ONECMS & INTECH