Bất động sản

Đầu tư cầu cạn cao tốc tại ĐBSCL ước tính hơn 450 tỷ đồng/km

Việt Hoàng 08/05/2025 13:30

Theo nghiên cứu, mức đầu tư cho cầu cạn bao gồm chi phí xây dựng ban đầu và toàn bộ chi phí bảo trì, bảo dưỡng trong suốt vòng đời thiết kế 100 năm.

Theo VnExpress, Viện Kinh tế Xây dựng vừa trình Bộ Xây dựng báo cáo nghiên cứu về phương án đầu tư cầu cạn dành cho đường ô tô cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo nghiên cứu, mức đầu tư cho cầu cạn bao gồm chi phí xây dựng ban đầu và toàn bộ chi phí bảo trì, bảo dưỡng trong suốt vòng đời thiết kế 100 năm.

Nếu chỉ tính chi phí đầu tư ban đầu, suất đầu tư cầu cạn ước khoảng 383 tỷ đồng/km - cao gấp 2,6 lần so với đường cao tốc đắp nền đất (188 tỷ đồng/km cho loại 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp).

Mức chi này chưa bao gồm các khoản như giải phóng mặt bằng, lãi vay trong thời gian xây dựng, đánh giá tác động môi trường hay xử lý nền đất yếu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi tính cả vòng đời dự án, tổng chi phí đầu tư cầu cạn ở ĐBSCL khoảng 459 tỷ đồng/km - chỉ cao hơn khoảng 2% so với phương án nền đất.

Bên cạnh chênh lệch chi phí, Viện Kinh tế Xây dựng cũng phân tích các bất lợi đáng kể của phương án đắp nền.

Cụ thể, giải pháp này đòi hỏi diện tích giải phóng mặt bằng lớn, phụ thuộc vào nguồn cát - vốn đang khan hiếm nghiêm trọng tại ĐBSCL, kéo theo nguy cơ lún, sạt lở và thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài.

>> Thần tốc thi công, dự án mở rộng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ XX của Việt Nam đạt cột mốc quan trọng

Trong khi đó, cầu cạn bằng bêtông cốt thép lại khắc phục được hầu hết nhược điểm trên, với ưu điểm vượt trội như thi công nhanh, tiết kiệm quỹ đất, tạo thuận lợi cho thoát lũ, giảm nguy cơ xâm nhập mặn và hạn chế tác động môi trường.

Ngoài ra, kết cấu móng cầu cạn còn giúp ổn định địa chất, chống lún, dễ bảo trì, ít cản trở giao thông và không chia cắt các khu dân cư hiện hữu.

Từ các phân tích trên, Viện Kinh tế Xây dựng nhận định rằng dù chi phí ban đầu của cầu cạn cao hơn, nhưng tính trên toàn bộ vòng đời dự án, chênh lệch không đáng kể.

Do đó, đơn vị đề xuất phương án kết hợp giữa đắp nền và cầu cạn, linh hoạt theo từng khu vực dựa trên điều kiện địa chất, nguồn vật liệu và yếu tố môi trường.

Cùng với đó, ngành xây dựng cũng được khuyến nghị đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới như sử dụng dầm chữ U khẩu độ lớn bằng bêtông cường độ cao (HPC) hoặc siêu cao (UHPC), nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cát, rút ngắn thời gian thi công và tiết kiệm chi phí.

Được biết, giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ triển khai 9 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia với nhu cầu vật liệu đắp nền lên đến 63 triệu m3. Tuy nhiên, nguồn cát từ các sông lớn như Tiền, Hậu đang ngày càng suy giảm, kéo theo hàng loạt hệ lụy như sạt lở, ô nhiễm nguồn nước và nguy cơ lũ lụt gia tăng.

Hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 70km cầu cạn trên tổng hơn 2.000km đường cao tốc đã và đang xây dựng. Việc mở rộng hình thức cầu cạn được kỳ vọng sẽ là hướng đi bền vững, phù hợp với điều kiện địa hình đặc thù của vùng đồng bằng ngập nước như ĐBSCL.

>> 2 tỉnh sắp 'về chung một nhà' trên hành lang kinh tế Đông - Tây đề xuất đầu tư cao tốc hơn 35.000 tỷ

2 tỉnh sắp 'về chung một nhà' trên hành lang kinh tế Đông - Tây đề xuất đầu tư cao tốc hơn 35.000 tỷ

Cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, sở hữu hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, chi phí đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/dau-tu-cau-can-cao-toc-tai-dbscl-uoc-tinh-hon-450-ty-dong-km-202250508110924079.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đầu tư cầu cạn cao tốc tại ĐBSCL ước tính hơn 450 tỷ đồng/km
    POWERED BY ONECMS & INTECH