Bất động sản

2 tỉnh sắp 'về chung một nhà' trên hành lang kinh tế Đông - Tây đề xuất đầu tư cao tốc hơn 35.000 tỷ

Việt Hoàng 08/05/2025 11:30

Theo đề án, tỉnh sau sáp nhập vẫn mang tên Quảng Ngãi với tổng diện tích 14.834km2, dân số khoảng 2,1 triệu người và 96 đơn vị hành chính trực thuộc.

UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã có tờ trình gửi Chính phủ, đề xuất sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum nhằm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc thành lập tỉnh mới trên cơ sở hợp nhất hai địa phương.

Theo đề án, tỉnh sau sáp nhập vẫn mang tên Quảng Ngãi với tổng diện tích 14.834km2, dân số khoảng 2,1 triệu người và 96 đơn vị hành chính trực thuộc. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sẽ đặt tại TP. Quảng Ngãi, hiện là đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ngãi.

Sau khi sáp nhập, Quảng Ngãi mới trở thành tỉnh có diện tích lớn thứ 5 cả nước.

Tỉnh mới sẽ có lợi thế đặc biệt khi sở hữu cả vùng biển rộng lớn lẫn đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia, thông qua các cửa ngõ quan trọng như huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei và cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Việc sáp nhập nhằm mở rộng không gian phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội và khai thác tối đa tiềm năng của hai địa phương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quảng Ngãi hiện thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vai trò chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và biển đảo. Tỉnh sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, tiềm năng phát triển công nghiệp nặng và kinh tế biển, đặc biệt là Cảng nước sâu Dung Quất - một trong những cảng lớn nhất cả nước.

Trong khi đó, Kon Tum giữ vị trí chiến lược tại ngã ba Đông Dương, là trung tâm kết nối của Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là đầu mối trung chuyển trên trục Đông - Tây với ba vùng kinh tế động lực: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và TP. Kon Tum - đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

>> Sau 8 tháng bỏ trống, mặt bằng từng thuộc Starbucks tại Hàn Thuyên đã có chủ mới, giá thuê khoảng 700 triệu đồng/tháng

Việc hợp nhất hai tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quy hoạch, đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, đô thị, thương mại và dịch vụ.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tăng tỷ lệ đô thị hóa, phát triển sản xuất theo hướng tập trung, giảm tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và thiếu quy hoạch. Đề án nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

Sắp xếp lại đơn vị hành chính còn được nhìn nhận là động lực tái phân bổ lực lượng lao động, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị.

Về phương án nhân sự sau sáp nhập, Quảng Ngãi dự kiến bố trí nhà ở cho cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quản lý.

Các đối tượng còn lại sẽ được hỗ trợ chi phí thuê nhà trong 2 năm theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Sau thời gian hỗ trợ, địa phương sẽ xem xét điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, tỉnh cũng lên kế hoạch hỗ trợ chi phí đi lại cho người lao động sau khi sáp nhập.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai Đề án, bao gồm việc cải tạo, xây mới trụ sở cơ quan hành chính, trường học, trạm y tế và các cơ sở vật chất thiết yếu.

Tỉnh cũng kiến nghị áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức và vận hành bộ máy hành chính sau hợp nhất.

Một nội dung đáng chú ý là đề xuất Trung ương bố trí vốn để cải tạo 62km Quốc lộ 24 - tuyến đường huyết mạch kết nối hai tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum giai đoạn 2025-2028, tạo động lực liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương và hạ tầng chiến lược cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trước đó, UBND hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đã cùng đề xuất Bộ Xây dựng xem xét phương án đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum theo hình thức đầu tư công.

Tuyến cao tốc này dự kiến bắt đầu từ điểm giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), và kết thúc tại điểm giao với cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn qua TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Trên hành trình dài 136km, tuyến sẽ đi qua các huyện Ba Tơ, Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi, và các huyện Kon Plông, Kon Rẫy cùng TP. Kon Tum của tỉnh Kon Tum.

Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và được xác định là tuyến ưu tiên đầu tư trước năm 2030. Dự án dự kiến xây dựng với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe, nền đường rộng từ 22 đến 24,7m, tốc độ thiết kế từ 80-100km/h.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án vào khoảng 35.395 tỷ đồng. Trong đó, đoạn từ Quảng Ngãi đến thị trấn Măng Đen (dài 80,5km) có tổng mức đầu tư hơn 20.500 tỷ đồng; đoạn còn lại từ Măng Đen đến TP. Kon Tum (dài 55,5km) cần khoảng 14.850 tỷ đồng.

>> Thần tốc thi công, dự án mở rộng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ XX của Việt Nam đạt cột mốc quan trọng

Cao tốc đi qua 'siêu thủ phủ công nghiệp mới' được đề xuất mở rộng lên 8 làn xe

Tuyến cao tốc nối Thủ đô tới tỉnh cửa ngõ Tây Bắc Việt Nam sẽ mở rộng lên 6 làn xe, quy mô hơn 10.000 tỷ

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/2-tinh-sap-ve-chung-mot-nha-tren-hanh-lang-kinh-te-dong-tay-de-xuat-dau-tu-cao-toc-hon-35000-ty-202250508103817242.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    2 tỉnh sắp 'về chung một nhà' trên hành lang kinh tế Đông - Tây đề xuất đầu tư cao tốc hơn 35.000 tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH