Doanh nghiệp A-Z

Đèo Cả tìm lối thoát cho 4 dự án cao tốc với tổng vốn gần 55.000 tỷ đồng

Ánh Nguyệt 10/10/2024 11:38

Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho 4 dự án cao tốc trọng điểm.

CTCP Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm. Một trong những vấn đề nổi bật mà Tập đoàn Đèo Cả đề cập là khó khăn về tài chính trong triển khai một số dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Cụ thể, đối với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 (vốn đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng), kể từ khi khởi công vào ngày 1/1/2024, liên danh nhà đầu tư và nhà thầu đã ứng gần 350 tỷ đồng để tổ chức thi công và hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vốn ngân sách Nhà nước mới chỉ giải ngân được 300/6.580 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng VPBank song việc giải ngân vẫn chưa thực hiện do dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Điều này liên quan đến việc tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước lên 68,76% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội.

Tập đoàn Đèo Cả đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hướng dẫn cụ thể để dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đèo Cả tìm lối thoát cho 4 dự án cao tốc với tổng vốn gần 55.000 tỷ đồng
Tập đoàn Đèo Cả có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho 4 dự án trọng điểm

Liên quan đến dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng), Tập đoàn Đèo Cả báo cáo rằng dự án hiện gặp khó khăn khi hợp đồng BOT chỉ áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu tăng, trong khi cơ chế chia sẻ doanh thu giảm lại không được áp dụng. Vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án ban đầu được đề xuất hơn 50% tổng mức đầu tư nhưng đã bị UBND tỉnh Lạng Sơn điều chỉnh giảm để tuân thủ các quy định hiện hành.

Ngoài ra, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (vốn đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng) đã bị đình trệ trong gần 5 năm với vốn ngân sách Nhà nước tham gia bằng 0%. Do những yếu tố khách quan như việc bỏ một trạm thu phí trên QL1 và miễn giảm giá vé diện rộng, doanh thu thực tế của dự án này chỉ đạt 39% so với kế hoạch tài chính ban đầu, khiến nhà đầu tư khó tiếp tục vay vốn để triển khai các dự án PPP khác, bao gồm cả dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng xem xét tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước lên 70% tổng mức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng cấp vốn cho các dự án PPP.

Về dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng), tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 36%, khiến nhà đầu tư phải huy động một lượng vốn rất lớn, khoảng 9.877 tỷ đồng. Do dự án không được áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án chưa được phê duyệt.

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất giữ nguyên chủ trương đầu tư đã được thống nhất với UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng thời chủ động điều chỉnh phương án tài chính và tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước lên 50% để đảm bảo tính khả thi của dự án, phù hợp với Luật PPP.

>> Liên danh Đèo Cả đối mặt nguy cơ trượt gói thầu 11.400 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành

Liên danh Đèo Cả đối mặt nguy cơ trượt gói thầu 11.400 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất cơ chế chưa có tiền lệ cho dự án đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/deo-ca-tim-loi-thoat-cho-4-du-an-cao-toc-voi-tong-von-gan-55000-ty-dong-252883.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đèo Cả tìm lối thoát cho 4 dự án cao tốc với tổng vốn gần 55.000 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH