Vietlott, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Thái Tuấn, EVN, Bitexco, bảo hộ phá sản... đang là tiêu điểm tin doanh nghiệp tuần qua.
Tuần qua doanh nghiệp có rất nhiều thông tin nổi bật, đặc biệt câu chuyện về nợ trái phiếu quá hạn, về việc EVN mang trăm nghìn tỷ đồng đi gửi ngân hàng vẫn báo lỗ tỷ USD, câu chuyện về ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo hậu hôn nhân… là tiêu điểm.
Cùng điểm qua những tin chính doanh nghiệp trong tuần.
Nhân tố bí ẩn đứng sau thương vụ đưa Vietlott về Việt Nam
Vietlott: Xổ số điện toán (Vietlott) - loại hình xổ số này đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Đặc biệt còn hấp dẫn hơn nữa vì giải thưởng mỗi kỳ quay jackpot lên đến hàng chục tỷ đồng. Không chỉ vậy Vietlott càng gây ấn tượng với hình ảnh những người đeo mặt nạ lên nhận thưởng.
Ở Việt Nam, xổ số là loại hình kinh doanh đặc biệt, do Nhà nước quản lý. Song ít ai biết, đứng sau thương vụ đưa Vietlott về Việt Nam lại là một doanh nghiệp tư nhân - Tập đoàn Hoa Lâm. Bóng dáng của bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm - hiện diện ở rất nhiều khâu khi ký kết hợp đồng với Berjaya. Câu chuyện thế nào, cùng quay lại bài để tìm hiểu thêm.
Manulife mang chục nghìn tỷ đi đầu tư trái phiếu
Manulife Việt Nam: Câu chuyện của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn không chỉ dừng lại ở 4 doanh nghiệp bảo hiểm vừa bị thanh tra. Mới đây Bộ Tài chính tiết lộ thông tin, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tiến thành thanh tra tiếp 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Những doanh nghiệp nào sẽ vào tầm ngắm vẫn phải chờ thêm.
Tuy vậy bức tranh tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm đang dấy lên sự lo ngại cho các khách hàng. Manulife Việt Nam vừa báo lãi lớn 2.600 tỷ đồng sau năm 2021 kinh doanh thua lỗ. Manulife cũng thể hiện tình hình kinh doanh không ổn định khi liên tục đổi chiều lãi/lỗ. tại Manulife khách hàng còn khá bất ngờ với những khoản đầu tư được xem là mạo hiểm: Manulife Việt Nam đang đầu tư 7.800 tỷ đồng vào cổ phiếu các loại (và đã phải trích lập dự phòng 840 tỷ đồng), ngoài ra còn đầu tư xấp xỉ 12.000 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp.
EVN có trăm nghìn tỷ gửi ngân hàng, vẫn báo lỗ tỷ USD
EVN: Câu chuyện EVN thua lỗ năm 2022 đã không còn mới. Tuy nhiên điểm nhấn là EVN đã công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán. Số liệu trên báo cáo cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là do giá mua điện cao.
Câu chuyện của EVN không dừng lại ở đó khi mới đây PV Power phản ánh đang gặp khó khăn từ khoản nợ đọng gần 13.000 tỷ đồng của EVN. Báo cáo tài chính cho thấy công ty đang có khoản “nợ phải trả khách hàng” hơn 79.000 tỷ đồng. Ngoài ra EVN cũng đi vay – mà đối tượng để vay là các đơn vị thành viên. Tổng nợ tài chính dài hạn đến 31/12/2022 hơn 276.000 tỷ đồng.
Đi vay, có khoản nợ phải trả lớn với khách hàng, nhưng EVN vẫn có hơn 100.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Câu hỏi tại sao EVN lại mang số tiền lớn thế đi gửi, tại sao tỷ trọng gửi ngắn hạn và dài hạn không hợp lý từng được kiểm toán Nhà nước điểm qua theo báo cáo tài chính năm 2021 của EVN.
Hé lộ khối tài sản nghìn tỷ ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhận về sau ly hôn
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Câu chuyện về cà phê Trung Nguyên nổi lên mạnh mẽ từ vụ ly hôn nghìn tỷ mấy năm trước. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận về số bất động sản, tiền, vàng, sổ tiết kiệm… và lập nên thương hiệu riêng King Coffe.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ ở lại gắn bó và phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên, nhận số bất động sản, cổ phần tại hệ thống công ty Trung Nguyên trị giá hơn 5.700 tỷ đồng.
Những câu chuyện bên lề hậu ly hôn nghìn tỷ đang rất nhiều. Tuy vậy thông tin mới nhất về một số dự án của Trung Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi do chậm trễ khiến nhiều người không thể đoán định được nước đi của Trung Nguyên. Nói thiếu tiền, có lẽ không phải, ông Vũ vẫn xuất hiện với loạt siêu xe, Trung Nguyên vẫn liên tục ra mắt sản phẩm mới. Vậy toan tính của Trung Nguyên là gì?
Khối tài sản bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận về sau ly hôn gồm những gì?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Câu chuyện hậu ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo luôn là chủ đề được chú ý nhiều. Nguyên nhân không chỉ bởi đây là vụ ly hôn nghìn tỷ, không chỉ bởi đây là 2 doanh nhân gắn liền với thương hiệu cà phê nổi tiếng, mà còn bởi cuộc sống sau hôn nhân của 2 người cũng mang đầy màu sắc.
Khối tài sản nghìn tỷ bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận sau hôn nhân - điều mà mọi người cùng nhắc tới, là gì? Bà Thảo nhận bao nhiêu tiền mặt, bất động sản, để có thể lập nghiệp, xây dựng nên thương hiệu King Coffee cho riêng mình?.
Câu chuyện Nguyễn Đỗ Lăng và nhóm Apec thao túng giá cổ phiếu
Hồ sơ Nguyễn Đỗ Lăng: Câu chuyện Nguyễn Đỗ Lăng cùng nhóm Apec thao túng thị trường chứng khoán đối với các cổ phiếu APS, API và IDJ vẫn còn rất nóng. Diễn biến mới nhất, cơ quan chức năng xác định Nguyễn Đỗ Lăng cùng đồng phạm sử dụng 40 tài khoản chứng khoán để tạo cung cầu giả, thu lợi bất chính 157 tỷ đồng. Câu chuyện của Nguyễn Đỗ Lăng cùng nhóm Apec có đôi nét giống với Nguyễn Thành Nhân cùng nhóm Louis.
Tại sao Nguyễn Đỗ Lăng - một doanh nhân thành đạt, từng sở hữu khối tài sản nghìn tỷ lại lâm vào cảnh thao túng giá cổ phiếu, để rồi bị bắt? Liệu đằng sau vụ thao túng giá cổ phiếu API, APS và IDJ này còn là gì? Cùng nhìn lại hồ sơ Nguyễn Đỗ Lăng, hoặc trước đó, nhìn lại toàn cảnh vụ Apec để tìm hiểu thêm.
Câu chuyện về trái phiếu
Nợ quá hạn trái phiếu: Trái phiếu vẫn đang là tâm điểm khiến nhiều nhà đầu tư nhắc tới. Vài năm trước việc huy động trái phiếu tràn lan đã dẫn đến hệ quả khi thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp công bố bức tranh tài chính ảm đạm, nợ trái phiếu quá hạn chưa thể thanh toán. Điển hình như công ty con của Bitexco với những lô trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng, Thái Tuấn - một doanh nghiệp với hình tượng những bộ vest, áo dài sang trọng, bất ngờ lại được nhắc tới ở phương diện nợ nần. Thái Tuấn vẫn chưa thể xoay xở xong tài sản đảm bảo, đang kéo dài thời gian cùng trái chủ để tự xử lý…
Câu chuyện về bảo hộ phá sản
Một hãng hàng không đã xin Chính phủ bảo hộ phá sản:Đây có lẽ là cụm từ được nhắc nhiều trong tuần qua. Một trong số đó là những đồn đoán xem hãng hàng không nào đang được nhắc tới. Mọi sự chú ý đang dồn vào Bamboo Airways, nguyên nhân bởi hãng hàng không này mới đây có rất nhiều biến động về nhân sự. Tuy vậy 14/7 Bamboo Airways đã lên tiếng khẳng định “vẫn hoạt động bình thường”.
Tuy vậy, đọc, hiểu thêm về thủ tục phá sản, bảo hộ phá sản, có thể thấy hai cụm từ "xin bảo hộ phá sản" và "duy trì hoạt động bình thường" hoàn toàn có thể đi cùng nhau, tại cùng một doanh nghiệp, trong cùng một thời điểm.
Dự án cảng 19.400 tỷ đồng: Dự án Cảng Phước An được cho là ở vị trí đắc địa, giữa tam giác giao thương, có tuyến luồng được đánh giá tốt nhất Việt Nam. Dự án do PVN làm chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án do liên doanh PVN, Sonadezi (đại diện tỉnh Đồng Nai) thành lập từ năm 2008.
Doanh nghiệp cũng đã qua nhiều biến động, sự xuất hiện của ông lớn Tập đoàn Hoành Sơn những tưởng sẽ được triển khai nhanh chóng, tuy vậy chỉ mấy năm sau Hoành Sơn rút lui. Cái tên mới nhất tại dự án chục nghìn tỷ này là Tuấn Lộc. Về tay Tuấn Lộc, dự án đã tiến triển đến đâu?
Các dự án LNG:Câu chuyện năng lượng sạch, điện gió, điện mặt trời đã không còn được nhắc lại nhiều tuần qua, thay vào đó là các dự án khí LNG. Điện khí LNG đã được đưa vào quy hoạch điện 8 với danh sách hơn chục dự án, tổng mức đầu tư mỗi dự án đều rất lớn, thế nên bức tranh tài chính của những doanh nghiệp đứng sau luôn được quan tâm. Dự án điện khí LNG Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 1,9 tỷ USD cũng đang dự kiến quý 4/2023 mới hoàn thành nghiên cứu khả thi và ước tính 2027 mới đấu nối vào lưới điện lưới quốc gia.
Hiện tại, sự quan tâm của nhà đầu tư đang dừng ở những dự án phụ trợ, dự án kho cảng LNG. Liên doanh do PV Gas làm chủ đầu tư vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ quy mô 1,3 tỷ USD.
Bí ấn 3 doanh nghiệp tăng vốn thần tốc để ôm 120 triệu cổ phiếu PG Bank
Game thoái vốn tại PG Bank: Phiên giao dịch ngày 11/7 vừa qua cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex tiếp tục khiến nhiều người chú ý. Hơn 155,7 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 51% vốn điều lệ của ngân hàng được đưa ra giao dịch, lại khiến nhiều đồn đoán về thế lực thâu tóm phía sau. Tuy vậy mọi chuyện không bắt đầu từ phiên 11/7, mà trước đó vài tháng, phiên đột biến tháng 4/2023.
Đầu tháng 4/2023 Petrolimex thoái vốn, xuất hiện 3 doanh nghiệp bí ẩn, tiến hành tăng vốn thần tốc gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần trong cùng thời gian, và ôm trọn 120 triệu cổ phiếu PGB. Mọi đồn đoán dựa vào sự phân tích hình bóng phía sau 3 doanh nghiệp, chủ yếu dồn về TC Group. Nếu như không có tiếp chuỗi 5 phiên giao dịch đột biến cuối tháng 4 với hơn 87 triệu cổ phiếu khớp lệnh, câu chuyện đồn đoán đã có thể dừng lại, tuy nhiên diễn biến đang khá bí ẩn, liệu bên nào mới thực sự đứng sau game thâu tóm này?
Vinamilk: Khá bất ngờ khi lần thay đổi logo, nhận diện thương hiệu này của Vinamilk lại tạo nên 1 trend khác – trend bắt sóng Vinamilk tạo hình với bảng mẫu chữ. Liệu đây là một chiêu PR tài tình của Vinamilk, hay giới trẻ quả thật luôn bắt nhịp với diễn biến thương trường?
Một bệnh viện của Việt Nam được ông lớn Singapore mua lại với giá 381 triệu USD:con số khổng lồ này càng khiến nhiều người chú ý, cả về bên mua – ông lớn Singapore lẫn bên được mua. Bệnh viện này có gì? tiềm lực tài chính của ông lớn Singapore thế nào?
Nhà xuất bản Giáo dục lãi to:Báo cáo tài chính năm 2022 ghi nhận Nhà xuất bản Giáo dục lãi to, trong khi dư luận khắp nơi kêu ca vì giá sách tăng càng khiến câu chuyện lãi/lỗ của nhà xuất bản giáo dục được đẩy lên cao trào.
Halico báo lỗ: Câu chuyện chủ thương hiệu Vodka Hà Nội báo lỗ đã thành thường niên, không còn khiến giới quan tâm ngạc nhiên. Chỉ là câu hỏi sao có thể lỗ trong khi loạt doanh nghiệp bia, rượu trong ngành vẫn lãi thì vẫn đang đi tìm lời giải đáp.