Dòng vốn tháo chạy với tốc độ không tưởng, đồng USD lao dốc mạnh mẽ: Chuyện gì xảy ra?
Giới phân tích cho rằng các dòng vốn đang bắt đầu rời khỏi Mỹ và hướng tới những thị trường khác, nổi bật là Nhật Bản, châu Âu và Ấn Độ.
Suốt nhiều thập kỷ, các cường quốc xuất khẩu của châu Á đã áp dụng chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả: Bán hàng hóa sang Mỹ và tái đầu tư nguồn thu đó vào tài sản Mỹ.
Tuy nhiên, mô hình tài chính từng giúp khu vực này tăng trưởng thần kỳ đang đối mặt với cú sốc lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Và nguyên nhân xuất phát từ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.
Theo ước tính, tổng giá trị các khoản đầu tư từ châu Á vào Mỹ lên tới 7,5 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, làn sóng thoái vốn đã bắt đầu xuất hiện khi các nhà đầu tư lớn tại châu Á tìm kiếm những bến đỗ an toàn hơn.
Những ai không kịp xoay chuyển đã sớm chịu thiệt hại: Chỉ riêng tháng 4, các công ty bảo hiểm Đài Loan đã ghi nhận khoản lỗ 620 triệu USD do đồng USD giảm mạnh sau khi ông Trump áp thuế hàng loạt. Đến đầu tháng 5, đồng Tân Đài Tệ tăng vọt 8,5% trong hai ngày, khiến giới đầu tư đứng trước nguy cơ thiệt hại tới 18 tỷ USD do chênh lệch tỷ giá.

Dòng tiền rút khỏi Mỹ
Ngay cả trước khi ông Trump tái đắc cử, các dòng vốn từ châu Á vào Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm. Giờ đây, đà rút vốn có thể tăng tốc, với các quỹ hưu trí, tổ chức tài chính lớn và các văn phòng gia đình đều đang thu hẹp hoặc đóng băng các khoản đầu tư vào Mỹ.
Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể lượng nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ. Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mỹ cũng bắt đầu xem xét đa dạng hóa danh mục.
Virginie Maisonneuve, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Allianz Global Investors, nhận định: “Trật tự thế giới đang thay đổi, và chúng ta sẽ không quay lại thời kỳ như sau Thế chiến II”. Bà cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và công nghệ đã làm suy yếu vị thế tuyệt đối của Mỹ.
Những rủi ro làm lu mờ sức hấp dẫn của tài sản Mỹ
Các nhà đầu tư châu Á đang ngày càng lo ngại về một loạt rủi ro: Thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng, tình trạng phân cực chính trị sâu sắc, cơ sở hạ tầng xuống cấp và việc đồng USD bị sử dụng làm công cụ trừng phạt quốc tế.
Việc chính quyền ông Trump thúc đẩy cắt giảm thuế tiếp tục làm dấy lên lo ngại về sự thiếu thận trọng tài khóa, đặc biệt khi Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ. Theo Stephen Jen, CEO của Eurizon SLJ Capital, việc châu Á rút vốn khỏi Mỹ có thể tạo ra làn sóng dịch chuyển trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ USD.
Điều đó có thể khiến đồng USD suy yếu mạnh, các thị trường chứng khoán châu Âu và Nhật Bản hưởng lợi, trong khi dòng vốn mới sẽ chảy vào các thị trường nợ của Australia, Canada và các nền kinh tế phát triển khác.
Một ví dụ điển hình là cú sốc từ đồng Tân Đài Tệ vào tháng 5. Tin đồn rằng Đài Loan (Trung Quốc) sẽ bị yêu cầu nâng giá đồng nội tệ trong khuôn khổ đàm phán thương mại với Mỹ đã khiến đồng tiền này tăng mạnh nhất kể từ thập niên 1980.
Các công ty bảo hiểm - vốn chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ - đã bị thiệt hại nặng do không phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tác động có thể lên tới hàng chục tỷ USD.
Cùng thời điểm đó, đồng won Hàn Quốc tăng vọt sau tin tức về các cuộc đàm phán tiền tệ với Mỹ. Ngược lại, đồng yên lại suy yếu khi phía Nhật Bản phủ nhận việc thảo luận chính sách tiền tệ trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Tình trạng biến động đồng loạt này đang tạo nên cảm giác bất ổn sâu sắc trong cộng đồng đầu tư toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng các dòng vốn đang bắt đầu rời khỏi Mỹ và hướng tới những thị trường khác, nổi bật là Nhật Bản, châu Âu và Ấn Độ.
Trong tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 57 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Nhật Bản - mức cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, các quỹ đầu tư lớn tại châu Á, như Nippon Life Insurance hay UniSuper của Australia, đang thừa nhận rằng “thời hoàng kim” của đầu tư vào Mỹ đã qua.
Trong khi đó, giới siêu giàu châu Á ngày càng chuyển sang tích trữ vàng, tiền mã hóa và tài sản tại Trung Quốc thay vì gắn bó với đồng USD như trước đây.

Đồng USD liệu có còn là “vua”?
Không phải tất cả các chuyên gia đều tin rằng đây là sự thay đổi mang tính cấu trúc. Một số cho rằng đây chỉ là chu kỳ tạm thời và chưa có thị trường nào mang lại lợi suất hấp dẫn và thanh khoản như Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý tài sản đang thay đổi chiến lược đầu tư dài hạn để không còn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, nhất là trong bối cảnh chính sách của ông Trump ngày càng khó đoán và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
George Saravelos từ Deutsche Bank cho rằng, việc lợi suất trái phiếu Nhật Bản tăng và đồng yên mạnh lên là bằng chứng rõ ràng cho thấy một xu hướng đang hình thành. Gavekal Research thì kỳ vọng châu Á có thể hướng về tiêu dùng nội địa và tái cân bằng cán cân vĩ mô, thay vì tiếp tục mô hình xuất khẩu dựa vào đồng USD như hiện nay.
“Chúng ta đang chứng kiến những cơn đau đầu tiên của một trật tự tài chính mới ra đời. Giờ đây, câu hỏi không còn là liệu sự thay đổi có diễn ra hay không, mà là: Ai sẽ bị ảnh hưởng tiếp theo?”, Rajeev De Mello, quản lý quỹ tại GAMA Asset Management, nhận xét.
Nếu đúng như vậy, thế giới tài chính đang bước vào một bước ngoặt quan trọng: Thời kỳ USD giữ vai trò thống trị tuyệt đối có thể đã đạt đỉnh, và một kỷ nguyên mới đang bắt đầu - nơi dòng vốn quay trở lại châu Á, cùng với tham vọng lớn hơn cho chủ quyền tài chính và đa dạng hóa rủi ro toàn cầu.