Doanh nghiệp

Đường sắt cao tốc: Tại sao Ai Cập làm 2.000km hết 8,7 tỷ USD, mà Việt Nam làm 1.541km hết 67 tỷ USD?

Huy Hoàng 29/09/2024 - 05:50

Theo Bộ GTVT, qua rà soát, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án lên tới 67,34 tỷ USD với chiều dài 1.541km, tương đương 43,69 triệu USD/km.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đánh giá là một trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Việt Nam, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải Bắc - Nam, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 10/2024.

Theo Bộ GTVT, qua rà soát, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án lên tới 67,34 tỷ USD với chiều dài 1.541km, tương đương 43,69 triệu USD/km.

Khi thông tin này được công bố, dư luận xã hội đã nhanh chóng dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, với các câu hỏi xoay quanh quy mô cũng như khoản chi phí "khổng lồ" dành cho dự án.

Một số ý kiến so sánh: “Tại sao Ai Cập làm 2.000km đường sắt cao tốc (ĐSCT) chỉ tốn 8,7 tỷ USD?" hoặc "Tại sao Lào làm 426,5km chỉ tốn 5,95 tỷ USD, mà Việt Nam lại cần đến 67 tỷ USD cho 1.541km?".

Đường sắt cao tốc: Tại sao Ai Cập làm 2.000km hết 8,7 tỷ USD, mà Việt Nam làm 1.541km hết 67 tỷ USD?
Ảnh minh họa Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

>> Đường sắt cao tốc Bắc - Nam triển khai: Hòa Phát, Coteccons và loạt doanh nghiệp hưởng lợi

Trước những thắc mắc này, ông Đỗ Cao Bảo - một trong những nhà sáng lập Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT) đã chia sẻ quan điểm trên fanpage cá nhân, nhằm mang đến góc nhìn toàn diện hơn về câu chuyện chi phí ĐSCT.

Ông Đỗ Cao Bảo chỉ ra rằng, phần lớn người so sánh chỉ dựa vào các dự án có chi phí thấp nhất, mà không cân nhắc đến những tuyến ĐSCT có giá thành cao hơn. Theo ông, điều này dẫn đến việc công chúng không có cái nhìn đầy đủ về giá thành thực tế của ĐSCT.

Sau nhiều tháng nghiên cứu kỹ lưỡng, ông Bảo nhận thấy rằng giá thành 1km ĐSCT tại các quốc gia khác nhau là rất khác nhau. Thậm chí, ngay trong một quốc gia, chi phí giữa các tuyến đường cũng có sự chênh lệch lớn. Ông lấy ví dụ về Tây Ban Nha – quốc gia có hệ thống ĐSCT lớn thứ hai thế giới với hơn 4.000 km - có giá thành trung bình 17,7 triệu USD/km. Tuy nhiên, tuyến Venta de Baños - Burgos chỉ tốn 9 triệu USD/km, trong khi nhiều tuyến khác lại lên tới trên 25 triệu USD/km.

Đường sắt cao tốc: Tại sao Ai Cập làm 2.000km hết 8,7 tỷ USD, mà Việt Nam làm 1.541km hết 67 tỷ USD?
Trung Quốc sở hữu mạng lưới ĐSCT lớn nhất thế giới (45.000 km), có giá thành dao động từ 17-23 triệu USD/km

>> Bộ GTVT: Tốc độ trên đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải là 350km/h mới khả thi

Tương tự, Trung Quốc - quốc gia sở hữu mạng lưới ĐSCT lớn nhất thế giới (45.000 km) - có giá thành dao động từ 17-23 triệu USD/km. Đặc biệt, tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải (1.318 km) có chi phí 23,5 triệu USD/km. Trong khi đó, một số tuyến ở các quốc gia khác lại đắt đỏ hơn rất nhiều, như tuyến Lyon - Torino (Pháp - Italy) có chi phí 103 triệu USD/km, hay tuyến San Francisco-Los Angeles - Anaheim (Mỹ) với giá thành lên tới 161 triệu USD/km.

Dựa trên nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chuyên gia quốc tế, ông chỉ ra 9 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng ĐSCT:

1. Tốc độ thiết kế (150 km/h đến 380 km/h).

2. Địa hình dọc theo tuyến đường (số km đường hầm, cầu vượt...).

3. Nền đất (cát, đất thịt, đất bùn...).

4. Việc sử dụng cầu cạn hay nền đất.

5. Số lượng và quy mô cầu qua sông.

6. Số lượng và chất lượng nhà ga.

7. Số lượng và chất lượng các đoàn tàu.

8. Hệ thống bán vé và soát vé (tự động hay thủ công).

9. Chi phí đền bù, thu hồi nhà đất.

Ông Bảo nhấn mạnh rằng, trong nhiều báo cáo về ĐSCT, các thông tin này thường không được nêu rõ, khiến việc so sánh chi phí trở nên thiếu khách quan. Chẳng hạn, nếu nền đất là sa mạc cát, chi phí xây dựng sẽ thấp hơn so với nền đất bùn nhão. Việc xây dựng trên nền đất ruộng nhão như ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ tốn kém hơn nhiều so với miền Trung hay miền Bắc.

Kết luận, ông Bảo nhấn mạnh rằng để đánh giá một dự án ĐSCT có chi phí hợp lý hay không, cần phân tích đầy đủ 9 yếu tố ảnh hưởng trên.

"Chắc chắn rằng bất cứ tuyến ĐSCT của quốc gia nào, khi làm thiết kế, làm dự toán người ta phải khảo sát, phân tích đầy đủ các yếu tố kể trên, chứ chẳng ai lấy số km nhân với số tiền như các chuyên gia mạng", nhà đồng sáng lập Tập đoàn FPT cho hay.

>> Vụ Intel hủy kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD: Việt Nam đã có quyết định tỉnh táo?

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam triển khai: Hòa Phát, Coteccons và loạt doanh nghiệp hưởng lợi

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đáp ứng khoảng 133 triệu hành khách/năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/duong-sat-cao-toc-tai-sao-ai-cap-lam-2000km-het-87-ty-usd-ma-viet-nam-lam-1541km-het-67-ty-usd-250827.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đường sắt cao tốc: Tại sao Ai Cập làm 2.000km hết 8,7 tỷ USD, mà Việt Nam làm 1.541km hết 67 tỷ USD?
POWERED BY ONECMS & INTECH