Không riêng Hòa Phát, THACO, FPT, Thủ tướng kêu gọi loạt doanh nghiệp tham gia các dự án trọng điểm
Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai loạt dự án hạ tầng chiến lược, bao gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc, đường ven biển, liên vùng, cùng các dự án năng lượng.
![]() |
Tập đoàn Hòa Phát và THACO được đề xuất tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hình minh họa) |
Tại cuộc gặp mặt đầu Xuân 2025 với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 và hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu này, cần có sự đồng bộ trong tăng trưởng giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI và các địa phương. Đồng thời, Chính phủ sẽ phân tích kỹ các kịch bản kinh tế, chủ động ứng phó với các tình huống bất lợi để đảm bảo đà phát triển bền vững.
Doanh nghiệp trong nước được khuyến khích tham gia vào các dự án trọng điểm
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang triển khai quyết liệt nhiều dự án hạ tầng chiến lược, bao gồm: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Trung Quốc; các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng; dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; Trung tâm dữ liệu quốc gia...
Bày tỏ sự đánh giá cao với những nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký tham gia vào các dự án trọng điểm và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, với nguyên tắc không tư lợi, không tham nhũng, tiêu cực.
Lấy ví dụ thực tế, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đề nghị Tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu sản xuất toa tàu và đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sản xuất ray đường sắt tốc độ cao; Tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao và thiết kế chip bán dẫn...
Một trong sáu giải pháp quan trọng được Bộ Tài chính đề xuất là khơi thông mọi nguồn lực, sử dụng nguồn lực nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội.
Chính phủ cam kết tạo cơ chế để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các dự án trọng điểm, đồng thời khai thác hiệu quả không gian phát triển mới, bao gồm: Không gian ngầm (hạ tầng đô thị, giao thông ngầm); không gian biển (cảng nước sâu, điện gió ngoài khơi); không gian vũ trụ (công nghệ vệ tinh, viễn thám).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung phát triển các trung tâm kinh tế mới, điển hình như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chu Lai; các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; các khu thương mại tự do, ga đường sắt tốc độ cao
Việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào những dự án quan trọng không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.