Không thể gồng nổi chi phí, nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh và các công ty tọa lạc tại những vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố, ven biển Đà Nẵng ồ ạt trả mặt bằng kinh doanh, tháo chạy thoát lỗ.
Anh Nguyễn Vinh, đại gia cỡ lớn trong ngành thép xây dựng là một trong những chủ đầu tư lớn của nhiều tòa nhà cao ốc, mặt bằng đẹp nằm tại các vị trí đắc địa TP Đà Nẵng để cho thuê. Anh chia sẻ, trước dịch tỉ lệ lấp đầy các tòa nhà văn phòng, căn hộ và mặt bằng gần như “full”, giá thuê ổn định và tăng đều mỗi năm theo thị trường.
Nhìn thấy cơ hội béo bở, anh tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một tòa có lô góc cực đẹp ngay trung tâm quận để khai thác. Tuy nhiên đến hiện tại sau hơn 1 năm hoàn thiện đưa vào hoạt động, tòa nhà vẫn chưa có khách thuê trái lại phí bảo hành, nhân sự bảo vệ cao nên "ngốn" nhiều chi phí. Cùng với đó, các mặt bằng và cao ốc đang khai thác, khách liên tục trả lại mặt bằng mặc dù đã thương lượng giảm giá, giãn tiến độ thanh toán nhưng vẫn liên tục sụt giảm, khiến áp lực lãi vay ngân hàng của anh càng ngày càng nặng.
Trái với nhiều dự báo lạc quan về thị trường bất động sản cho thuê từ chuyên gia và các chủ đầu tư, tại những vị trí đắc địa khu vực trung tâm, tuyến đường du lịch ven biển Đà Nẵng đang chứng kiến nhiều tòa cao ốc, mặt bằng đẹp cửa đóng then cài dán bảng cho thuê từ nhiều tháng qua vẫn chưa có khách.
Ghi nhận thực tế hiện nay tại nhiều tuyến phố trung tâm Đà Nẵng như phố thời trang (đường Lê Duẩn), phố du lịch ẩm thực (đường 2/9 công viên APEC), phố Hàn Quốc (Dương Đình Nghệ), phố spa (Trần Phú), phố Tây (An Thượng)…cho thấy rất nhiều mặt bằng, nhà phố đang treo bảng cho thuê và rất vắng khách. Đây là những tuyến phố sầm uất bậc nhất khu vực miền Trung dành cho mua sắm, du lịch, dịch vụ.
Được biết, những tuyến đường này để mở một cơ sở kinh doanh, khách thuê phải trả trung bình từ 30 triệu đến 200 triệu/tháng cho một vị trí tùy thuộc vào diện tích mặt bằng nhà phố. Số tiền thanh toán phải từ 6 tháng trở lên đến 2 năm bao gồm tiền đặt cọc, chưa kể chi phí sửa chữa trang trí để phù hợp với mô hình kinh doanh.
Chị Thanh Thủy, Chủ một cửa hiệu thời trang nữ trên phố Lê Duẩn cho biết giá thuê mặt bằng là 40 triệu/tháng thanh toán 6 tháng/lần cùng với chi phí sửa chữa cải tạo đã ngốn hết 700 triệu tiền vốn đầu tư ban đầu, chưa kể tiền hàng. Đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì "dính" 2 năm dịch, đến nay kinh tế trầm lắng do bất động sản đóng băng, nhu cầu mua sắm giảm hẳn nên mỗi ngày chị phải gồng lỗ hơn 3 triệu đồng. Gánh không nổi chi phí mặt bằng nên đành chấp nhận trả lại xả lỗ và cay đắng hơn vì đã cạn vốn để tiếp tục kinh doanh.
Đáng chú ý, đa số các mặt bằng để trống tuyến phố Lê Duẩn, đường 2/9 này từng là nơi kinh doanh của các thương hiệu lớn trong ngành thời trang, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, mỹ phẩm…
Không chỉ trường hợp của chị Thủy, anh Vinh, thị trường bất động sản cho thuê tại Đà Nẵng đang chứng kiến làn sóng ồ ạt trả mặt bằng ở các vị trí đắc địa. Dạo quanh các tuyến phố trên thay cho cảnh sầm uất ngày nào bây giờ là hàng loạt các bảng hiệu cho thuê dán khắp nơi, vắng lặng.
Liên hệ chị Diễm (chủ nhà khu phố tây An Thượng) cho hay, chị đang treo biển cho thuê mặt bằng với mức 200 triệu đồng/tháng, đây là giá đã giảm bớt so với trước kia. Tuy nhiên, đã nhiều tháng qua nhưng vẫn chưa có khách, cũng có khách hỏi thương lượng hạ bớt giá để thuê nhưng chị không thể giảm vì đây là mức giá chung trên tuyến phố.
Từng là chủ một nhà hàng ẩm thực cafe lớn tại khu phố tây, anh Tim chia sẻ hiện gặp khó khăn về nguồn vốn, nhà hàng anh sau dịp tết nguyên đán đã chọn phương án cắt lỗ, thanh lý hàng hoá, đóng cửa trả mặt bằng để tiết giảm chi phí. Xung quanh khu vực anh cũng có rất nhiều mặt bằng cho thuê đã bỏ trống nhiều tháng nay do các doanh nghiệp, nhãn hàng trước đó đã tháo chạy vì không gồng nổi được chi phí, nhất là tiền mặt bằng quá cao.
Chị Vân chuyên viên môi giới cho thuê khu vực quận Hải Châu cho biết thực trạng số lượng mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố trung tâm và ven biển đang bỏ trống là do giá chào thuê quá cao. Nhiều nơi chủ tăng thêm 20 - 30% so với trước đây, thậm chí có nơi còn tăng gấp đôi sau dịch.
Theo nhận định, tình trạng cho thuê mặt bằng, nhà phố tại khu vực trung tâm và ven biển sẽ tiếp tục ế ẩm do chủ vẫn cố giữ mức giá cao, trong khi nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19, khách du lịch lại ít chi tiêu hơn so với trước đây do kinh tế khó khăn.
Từng chi 100 triệu/tháng để sở hữu mặt bằng có vị trí đắc địa bậc nhất view sông Hàn kinh doanh nhà hàng ăn uống, anh Nam đã đầu tư thêm 3 tỷ đồng cho việc xây dựng, thiết kế, nhân sự, bếp 5 sao,... mục tiêu đưa nhà hàng trở thành điểm đến yêu thích của giới có tiền và sớm thu hồi lại vốn. Do đó, anh đầu tư rất mạnh tay ngày đưa vào hoạt động anh mời những DJ nổi tiếng, ca sĩ hạng A đến biễu diễn cả tuần cùng với nhiều chương trình khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn thực khách.
Trái với thời điểm "tưng bừng khai trương", 8 tháng sau nhà hàng anh Nam "âm thầm đóng cửa", tháo biển trả mặt bằng một cách lặng lẽ. Được biết, chi phí mặt bằng và hoạt động quá cao so với nguồn vốn sẵn có nên chỉ sau thời gian ngắn kinh doanh, anh đã không thể gồng gánh nổi vì thu không đủ bù chi.
Giám đốc công ty chuyên bất động sản cho thuê, khu vực Đà Nẵng nhận định: Mặt bằng, nhà cho thuê sẽ tiếp tục gặp khó trong thời gian tới nếu các chủ nhà vẫn tiếp tục neo giá cao trong khi nhiều doanh nghiệp, khách thuê đang gặp khó khăn về tài chính. Bên cạnh sự phát triển của các tòa nhà, trung tâm thương mại được đầu tư bài bản sẽ khiến mặt bằng nhà phố trung tâm giảm sức hút khi vừa đắt đỏ, vừa tồn tại nhiều hạn chế trong vận hành và tiện ích đỗ xe cho khách đến mua sắm.
Vị giám đốc cho rằng, trước hết là các chủ mặt bằng, đặc biệt là nhà phố cần thay đổi để thích nghi với nhu cầu, nên đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thực thay vì đua nhau tăng giá bất chấp gây khó cho người thuê, doanh nghiệp. Sau đó là hạ tầng cho thuê phải đảm bảo mặt bằng có đủ điều kiện về công năng sử dụng kinh doanh, đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy, điện nước internet và khu vực đỗ xe thuận tiện.