Rót 1,25 tỷ USD mua một mặt hàng từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn nhận ‘đòn bất ngờ’ từ ông Trump
Jakarta cũng cam kết sẽ tăng nhập khẩu năng lượng và hàng hóa để thu hẹp thâm hụt thương mại với Washington.
Hiệp hội Các nhà máy xay xát lúa mì Indonesia (Aptindo) sẽ ký một thỏa thuận nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn lúa mì Mỹ mỗi năm trong vòng 5 năm tới, với tổng trị giá 1,25 tỷ USD, trong bối cảnh Jakarta đang chuẩn bị các bước để tránh chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

“Chúng tôi đã có thỏa thuận giữa Hiệp hội Lúa mì Mỹ (USW) và Aptindo để mua 1 triệu tấn lúa mì từ năm 2026 đến năm 2030”, ông Franciscus Welirang, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy xay xát lúa mì Indonesia (Aptindo) cho biết, đề cập đến tổ chức phát triển thị trường xuất khẩu.
“Trong bối cảnh đàm phán thuế quan của Indonesia, chúng tôi - các doanh nghiệp tư nhân cùng với doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ là Hiệp hội Lúa mỳ Mỹ đã đồng ý ký kết thỏa thuận này”, ông nói.
Việc Aptindo chia sẻ phía Indonesia cam kết bạo chi 1,25 tỷ USD để nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn lúa mì Mỹ mỗi năm trong vòng 5 năm tới là một bất ngờ. Bởi lẽ, con số được đưa ra trước đó chỉ ở mức 500 triệu USD. Với mức mới gấp 2,5 lần, số tiền 1,25 tỷ USD có thể tạo lợi thế lớn cho Indonesia khi đàm phán thuế quan với chính quyền của ông Trump.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy xay bột lúa mì Indonesia, ông Franciscus Welirang, cho biết “các thành viên sẽ mua tổng cộng 2 triệu tấn nông sản này thông qua các cuộc đấu thầu với mức giá cạnh tranh”.
“Điểm mấu chốt là tất cả thành viên sẽ mua lúa mì của Mỹ”, ông Welirang, người đồng thời là Giám đốc tại Indofood nói với Reuters.
Các đối tác Mỹ trong thỏa thuận lúa mì bao gồm Cargill, Bunge Global SA, Pacificor, Archer-Daniels-Midland, Columbia Grain International và United Grain Corporation, ông Welirang cho biết thêm.
Indonesia, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, đang đối mặt với mức thuế bổ sung 32% bên cạnh mức thuế cơ bản 10%. Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của Washington với Jakarta là 17,9 tỷ USD trong năm 2024, tăng 5,4% so với năm trước.

Theo các bức thư mà ông Trump công bố vào rạng sáng 8/7, hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia vẫn sẽ bị Mỹ áp thuế 32%. Đây có thể coi là “đòn đau” mà ông chủ Nhà Trắng dành cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khi mức thuế mới công bố dù không tăng nhưng cũng chẳng hề giảm so với con số trước đó được công bố hôm 2/4.
Theo Jakarta Post
>> ‘Vua gà rán’ KFC vội vã thoái vốn ở nền kinh tế số 1 Đông Nam Á: Chuyện gì đã xảy ra?
EU ráo riết tìm đồng minh, sẵn sàng ‘ăn miếng trả miếng’ nếu ông Trump áp thuế 30%
Nợ ngập đầu, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi tới 34 tỷ USD để trả lãi vay