Doanh nghiệp

Thủ tướng 'phát lệnh' xây dựng tập đoàn công nghiệp đường sắt, Hòa Phát , THACO, Đèo Cả 'giương cờ' tiên phong

Huy Hoàng 30/03/2025 13:26

Thủ tướng khẳng định quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.

Tối 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.

Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 11/2024 đến tháng 2/2025, Quốc hội đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển hạ tầng đường sắt, bao gồm:

- Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

- Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

- Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.

Trong đó, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, nối Hà Nội và TP. HCM, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67 tỷ USD).

Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 390km, tổng mức đầu tư khoảng 8,3 tỷ USD. Tuyến Hà Nội – Lạng Sơn dài khoảng 156km, kết nối Thủ đô Hà Nội với Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và hệ thống liên vận quốc tế với Trung Quốc. Tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái dài khoảng 187km, kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh và hệ thống liên vận quốc tế với Trung Quốc.

Thủ tướng 'phát lệnh' xây dựng tập đoàn công nghiệp đường sắt, Hòa Phát , THACO, Đèo Cả 'giương cờ' tiên phong
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

>>Nhận lệnh của Thủ tướng, Hòa Phát (HPG) triển khai dự án thép đặc biệt phục vụ đường sắt tốc độ cao

Xây dựng các tập đoàn công nghiệp đường sắt

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò chiến lược của các dự án đường sắt đối với phát triển hạ tầng và yêu cầu cấp thiết xây dựng ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thành lập các tập đoàn lớn - bao gồm cả tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt. Với các vấn đề vượt thẩm quyền, cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đồng thời rà soát sửa đổi các quy định liên quan để tháo gỡ.

"Chúng ta quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là yếu tố then chốt. Đây cũng là cơ hội để đất nước, dân tộc có thêm động lực vươn lên", Thủ tướng nhấn mạnh.

>>Việt Nam muốn nội địa hóa, Pháp sẵn sàng chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao

Hòa Phát, THACO, Đèo Cả sẵn sàng 'giương cờ' tiên phong

Là lĩnh vực hạ tầng thiết yếu với quy mô đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD, ngành đường sắt đã thu hút sự quan tâm và chuẩn bị từ sớm của nhiều tập đoàn lớn.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) từng tuyên bố sẵn sàng đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt. Gần đây, Hòa Phát Dung Quất đã đề nghị tỉnh Quảng Nam bàn giao 42ha đất để triển khai giai đoạn 1 dự án cán thép chất lượng cao tại KKT Dung Quất, bao gồm sản phẩm thép đặc biệt làm ray đường sắt đô thị.

Thủ tướng 'phát lệnh' xây dựng tập đoàn công nghiệp đường sắt, Hòa Phát , THACO, Đèo Cả 'giương cờ' tiên phong
Tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định sẵn sàng tham gia sản xuất ray đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.

>> Ba 'siêu dự án' đồng loạt khởi động, mở đường cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam

Tập đoàn cũng cam kết có thể cung cấp khoảng 10 triệu tấn thép chế tạo cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá thành cạnh tranh hơn so với nhập khẩu.

Theo VNR, giai đoạn 2030-2050, ngành đường sắt dự kiến cần bổ sung: 261 đầu máy, 1.100 toa xe tốc độ cao, 1.000 toa xe khách, 7.000 toa xe hàng và 1.500 toa xe phục vụ đường sắt đô thị.

Đứng trước thời cơ lịch sử, Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã triển khai những chiến lược cụ thể để đón đầu. Tập đoàn đang tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số, đồng thời định hướng tham gia sản xuất đầu máy, toa xe nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Song song với đó, Đèo Cả triển khai các chương trình công tác nước ngoài để nghiên cứu thực tiễn trong đào tạo và vận hành ngành đường sắt – metro, đặc biệt tại các quốc gia có kinh nghiệm như Nhật Bản, Trung Quốc. Mục tiêu là thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tiếp cận các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu khả năng “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị để phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả – cho biết: “Chúng tôi có thế mạnh về nhân lực và tài chính. Hiện doanh nghiệp đang xúc tiến hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín trong lĩnh vực công nghệ đường sắt, với định hướng nội địa hóa hoạt động sản xuất phục vụ cho các dự án đường sắt tốc độ cao sắp tới".

Thủ tướng phát lệnh thành lập tập đoàn công nghiệp đường sắt, Hòa Phát , THACO, Đèo Cả 'giương cờ' tiên phong
Ảnh ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO

Không chỉ Hòa Phát và Đèo Cả, Tập đoàn Trường Hải (THACO) của tỷ phú Trần Bá Dương cũng đang được kỳ vọng tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành đường sắt. Trong chuyến thăm các nhà máy THACO tại KKT Chu Lai gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tham gia sản xuất toa tàu cho đường sắt tốc độ cao, tiến tới sản xuất đầu máy.

Đáp lại, Chủ tịch THACO – ông Trần Bá Dương – khẳng định: “Chúng tôi sẽ tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là sản xuất toa tàu, cấu kiện thép. Với lực lượng kỹ sư, kinh nghiệm R&D và hợp tác quốc tế, chúng tôi sẽ tổ chức sản xuất tại chỗ để giảm giá thành, chuyển giao công nghệ hợp lý, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi sản xuất. Chúng tôi đặt trọng tâm vào tính hợp tác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia, đặt hàng thép chế tạo theo tiêu chuẩn”.

Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn cùng định hướng, hỗ trợ rõ ràng từ Chính phủ, ngành công nghiệp đường sắt tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các dự án đường sắt quy mô lớn nhất trong lịch sử, đồng thời góp phần làm chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu.

>>Ngoài THACO, Hòa Phát (HPG), còn những 'ông lớn' nào tự tin tham gia siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD?

Thủ tướng khuyến khích nhà sản xuất ô tô Skoda 'đa dạng hoá sản phẩm', mở rộng sang lĩnh vực đường sắt và hàng không

Nhận lệnh của Thủ tướng, Hòa Phát (HPG) triển khai dự án thép đặc biệt phục vụ đường sắt tốc độ cao

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-tuong-phat-lenh-xay-dung-tap-doan-cong-nghiep-duong-sat-hoa-phat-thaco-deo-ca-giuong-co-tien-phong-285055.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng 'phát lệnh' xây dựng tập đoàn công nghiệp đường sắt, Hòa Phát , THACO, Đèo Cả 'giương cờ' tiên phong
    POWERED BY ONECMS & INTECH