Chứng khoán Yuanta dự báo, chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng lên mức 1.569 điểm đồng thời dòng tiền sẽ chủ yếu tìm đến các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 2 vừa công bố, Chứng khoán Yuanta đánh giá các yếu tố vĩ mô tháng 1/2022 cho thấy đà hồi phục kinh tế vẫn duy trì tốt.
Cụ thể, điểm tích cực thể hiện ở cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khi tổng mức bán lẻ tăng 2,7% so với tháng trước và 1,3% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như quay trở lại hoạt động tăng cao ở tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý, tình hình đăng ký và giải ngân vốn FDI duy giữ đà hồi phục từ tháng 11 năm ngoái với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 4,2% và 6,8% so với cùng kỳ tháng 1/2021.
Yuanta cho rằng, giá cả nguyên liệu, hàng hóa khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới khi nhu cầu trong nước cũng như trên thế giới đang cao. Đây sẽ là áp lực lên lạm phát, tuy nhiên, cho tới tháng 1 tình hình lạm phát vẫn duy trì ổn định.
Yuanta duy trì quan điểm lạm phát cả năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới 4% nhờ các chính sách cung cầu ổn định và hoạt động du lịch, giải trí chưa thể hồi phục nóng.
Ngoài ra, Yuanta cũng nhận thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên từ ngành du lịch lữ hành, đây sẽ tín hiệu tốt cho ngành du lịch cũng như ngành hàng không trong 2022.
Trong tháng 1/2022, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bằng 4,8% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ. Yuanta tin rằng, tiến độ các dự án đầu tư công sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và đóng góp lớn vào đà hồi phục của kinh tế cả nước trong năm 2022.
Hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có phần chững lại so với tháng trước là do các dịp nghỉ Tết nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2022 sẽ diễn biến tích cực khi các đối tác xuất khẩu cũng như Việt Nam đã quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường, và tình hình thu hút vốn FDI cũng đã bắt đầu khả quan hơn từ cuối năm 2021 sẽ là yếu tố hỗ trợ.
Xét về thị trường chứng khoán, Yuanta định giá chỉ số VN-Index có thể sẽ điều chỉnh lại khi thị trường bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 và cả năm 2021 đồng thời báo cáo kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố về kế hoạch kinh doanh lạc quan trong năm 2022 khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát.
Hoạt động sản xuất được khôi phục mạnh trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu gia tăng, cùng với đó là các gói kích thích kinh tế được xem là động lực tăng trưởng chính cho thị trường chứng khoán. Mặt khác, rủi ro ngắn hạn đã giảm dần và khối ngoại quay trở lại mua ròng và chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cho thấy nhóm cổ phiếu Bluechips sẽ là động lực tăng trưởng chính cùa thị trường.
Vấn đề Fed tăng lãi suất là rủi ro trung hạn nhưng rủi ro này chưa đáng ngại trong giai đoạn tháng 2 này.
Yuanta dự báo, chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về mức 1.569 điểm đồng thời dòng tiền có thể sẽ chủ yếu hướng vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Đồng quan điểm với Yuanta, quỹ Dragon Capital cũng cho rằng, rủi ro từ việc FED tăng lãi suất tới Việt Nam không quá lớn, cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2022.
Dragon Capital dự báo thị trường sẽ tích cực trong năm 2022. Tăng trưởng EPS dự phóng đạt 23% và định giá PE duy trì ở mức hấp dẫn 11,7 lần. Tăng trưởng sẽ được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ với mức tăng EPS trung bình đạt 30%. Đây là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ việc mở cửa kinh tế.
Dragon Capital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ chậm lại. Do đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ quay trở lại vai trò dẫn dắt thị trường.
Nhìn từ bức tranh tổng thể, Dragon Capital đánh giá rủi ro của Việt Nam chủ yếu đến từ bên ngoài, cụ thể là hành động của FED. Tuy nhiên, nếu thị trường toàn cầu diễn biến tiêu cực, tác động đến Việt Nam có thể sẽ không nặng nề. Vấn đề sẽ là xu hướng rút ròng của khối ngoại; điều này có thể ảnh hưởng trái chiều đến thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đạt mức tăng trưởng tốt hơn so với thế giới khi tác động của việc khối ngoại rút ròng là tương đối hạn chế trong 2 năm vừa qua và nội tại khỏe mạnh của cả nền kinh tế và thị trường.
Cũng theo Dragon Capital, thị trường thị trường tài chính toàn cầu đang phản ánh khả năng FED có thể tăng lãi suất ít nhất 5 lần trong năm nay do số liệu cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi và lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến. Điều này sẽ tạo áp lực lên lợi suất trái phiếu toàn cầu, đặc biệt là thị trường các nước mới nổi.
Cùng với áp lực phải gia tăng vay để tài trợ cho chương trình kích thích phục hồi kinh tế, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt kỳ hạn 10 năm có thể tăng từ 2,1% lên 2,6%.
Đối với tỷ giá, với chính sách tài khóa/tiền tệ hợp lý cùng với nợ nước ngoài thấp và thặng dư cán cân thương mại, Việt Nam Đồng được cho là ít bị ảnh hưởng hơn. Trong tháng 1/2022, với lượng kiều hối tăng mạnh dịp tết, VND thậm chí còn tăng giá 0,6% từ 22.800 về 22.550 VND/USD.
Chính phủ đã thống nhất đưa ra Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm.
Dragon Capital đánh giá, với mức tăng khiêm tốn chỉ 2,6% trong năm 2021 thì có thể năm 2022 là một năm bùng nổ của kinh tế Việt Nam có thể lên tới 7,3 - 9,6% tùy thuộc vào tính hiệu quả khi thực thi gói kích thích kinh tế.
Dragon Capital cũng nhấn mạnh nội tại của Việt Nam đang ngày càng tốt lên và cần phải duy trì sự ổn định và có chính sách phù hợp để hạn chế rủi ro, biến động từ bên ngoài.
Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng đến 36%
Thêm một công ty chứng khoán báo lãi quý I/2024 tăng gần gấp đôi, dư nợ cho vay margin tăng 27%