Thế giới

Từng có giá thuê cao nhất thế giới, TTTM xa xỉ của tỷ phú giàu nhất Hồng Kông trống rỗng vì khách đại lục cạn tiền

Vũ Bấc 06/09/2024 12:51

Từng là thiên đường mua sắm xa xỉ với giá thuê cao nhất thế giới, các trung tâm thương mại tại Hồng Kông giờ đây trở nên đìu hiu trước sự sụt giảm chi tiêu từ du khách Trung Quốc

Sự suy giảm chi tiêu hàng xa xỉ từ khách hàng Trung Quốc đã tác động mạnh đến niềm tin của các nhà đầu tư vào các thương hiệu xa xỉ trên toàn cầu, từ LVMH đến Richemont và L'Oreal. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), khu trung tâm thương mại (TTTM) Heritage 1881 từng là thiên đường mua sắm của tầng lớp giàu có ở đại lục giờ đây lại trở nên u ám.

Edwin Lee, nhà sáng lập Bridgeway Prime Shop Fund Management, nhận định: “Thị trường xa xỉ của Hồng Kông từng là thiên đường, nhưng giờ đây đã rơi xuống vực thẳm".

Tại quận Tsim Sha Tsui, Heritage 1881 của tỷ phú Lý Gia Thành từng là điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc và quốc tế với các thương hiệu cao cấp nổi tiếng như Tiffany, Cartier và Chopard. Nhưng đến nay chỉ ba trong hơn 30 cửa hàng tại đây còn hoạt động, những con đường và quảng trường ở nơi từng có giá thuê đắt nhất thế giới đã không còn tấp nập như trước.

Từng có giá thuê cao nhất thế giới, TTTM xa xỉ của tỷ phú giàu nhất Hồng Kông trống rỗng vì khách đại lục cạn tiền - ảnh 1
Trung tâm thương mại Heritage 1881

Trên Đường Canton, một cửa hàng từng được thương hiệu Omega thuê với giá gần 1 triệu USD/tháng hiện được ngân hàng thuê lại với giá giảm 80%. Tương tự, tại Đường Russell, một nhà hàng thức ăn nhanh theo chủ đề Transformers đã thay thế Burberry, với mức thuê giảm 89% so với năm 2019.

Trước tình hình này, trung tâm thương mại 1881 Heritage cố gắng cải tổ và sẽ hướng tới phục vụ người tiêu dùng thuộc Gen Z với nhiều cửa hàng F&B bình dân hơn.

Theo số liệu chính thức, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Hồng Kông vẫn thấp hơn so với thời điểm trước đại dịch, và mức chi tiêu trung bình của họ chỉ bằng một nửa so với trước đây. Hy vọng phục hồi khi biên giới mở cửa vào năm 2023 đã không thành hiện thực. Doanh số bán hàng xa xỉ, bao gồm trang sức và đồng hồ, đã giảm 42% trong 7 tháng đầu năm so với năm 2018.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến các cửa hàng bán lẻ mà còn tạo ra tâm lý bất ổn tại Hồng Kông. Giá nhà rơi xuống mức thấp nhất trong 8 năm, tỷ lệ bỏ trống văn phòng gần đạt kỷ lục, và chỉ số chứng khoán của thành phố nằm trong số những chỉ số tồi tệ nhất thế giới.

Nguyên nhân đằng sau sự suy thoái

Tình trạng già hóa dân số tại Hồng Kông đang gia tăng nhanh chóng do dòng di cư của giới trẻ, trong khi một số yếu tố chính trị đã khiến niềm tin của quốc tế vào thành phố bị lung lay. Áp lực đối với các doanh nghiệp càng gia tăng khi chi phí vay nợ leo thang, xuất phát từ việc Hồng Kông phải "nhập khẩu" chính sách tiền tệ của Mỹ do duy trì tỷ giá cố định với đồng đô la Mỹ.

Trong bối cảnh niềm tin sụt giảm, chi tiêu hộ gia đình đã giảm trong quý II năm nay, lần đầu tiên kể từ quý III năm 2022. Các nhà phân tích cũng dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại vào năm 2025.

Doanh nghiệp cũng không tránh khỏi khó khăn. Tuần trước, New World Development, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Hồng Kông kiêm quản lý các trung tâm thương mại, cảnh báo sẽ lỗ 20 tỷ đô la Hồng Kông trong năm tài chính. Cổ phiếu của công ty lao dốc, khiến tổng mức giảm từ đầu năm đến nay lên đến 44%.

Từng có giá thuê cao nhất thế giới, TTTM xa xỉ của tỷ phú giàu nhất Hồng Kông trống rỗng vì khách đại lục cạn tiền - ảnh 2
Tsim Sha Tsui - khu vực du lịch mua sắm cao cấp bậc nhất thế giới nằm ở quận Cửu Long, Hồng Kông

Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, nhận định: "Sự sụt giảm của ngành hàng xa xỉ tại Hồng Kông phản ánh những thách thức kinh tế hiện tại. Điều này cũng có thể làm chậm đà tăng trưởng và việc làm. Vòng xoáy tăng trưởng tiêu dùng nhờ mức thu nhập cao, hiệu ứng giàu có và lợi nhuận doanh nghiệp không còn hiệu quả nữa."

Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự rút lui của các thương hiệu xa xỉ chính là những địa điểm từng được ưa chuộng vào thời kỳ đỉnh cao của sự bùng nổ, như Tsim Sha Tsui ở Cửu Long và Causeway Bay trên đảo Hồng Kông. Theo Cushman & Wakefield, giá thuê mặt bằng tại Causeway Bay giảm từ 2.671 USD/m² mỗi năm từ 2018, cao nhất thế giới xuống còn 1.493 USD/m² vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với các khu vực đắt đỏ khác trên thế giới như Đại lộ số 5 ở New York và Via Montenapoleone tại Milan, Ý.

Vào đỉnh cao năm 2013, doanh số hàng xa xỉ đạt khoảng 165 tỷ đô la Hồng Kông, chiếm một phần ba tổng doanh thu bán lẻ, với 112.000 khách du lịch đại lục đến thành phố mỗi ngày. Các cuộc biểu tình sinh viên năm 2019 và đại dịch Covid-19 đã khiến cho môi trường kinh doanh tại Hồng Kông ngày càng đi xuống.

Theo nhà quản lý quỹ Edwin Lee, thị trường xa xỉ khó có thể trở lại thời kỳ hoàng kim. "Đừng mơ về thời hoàng kim của năm 2013-2014," ông nói. "Phải mất bốn đến năm năm nữa mới có thể quay lại mức của năm 2018-2019."

Quỹ của ông Lee quản lý khoảng 1,4 tỷ đô la Hồng Kông tính đến cuối tháng 6, đã chứng kiến giá trị tài sản ròng giảm 9,7% trong ba năm qua. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và rút vốn, tạo thêm áp lực lên việc bán tài sản để thu hồi tiền mặt, ông chia sẻ.

Ảnh hưởng đa dạng và nghiêm trọng

Quỹ đầu tư của Edwin Lee không phải là bên chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc suy thoái bán lẻ, nhờ chiến lược tập trung vào việc mua các cửa hàng nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, gia đình Tang Shing-bor, được mệnh danh là "Vua cửa hàng" tại Hồng Kông, đã phải tìm cách bán hàng tỷ USD tài sản từ năm 2020, do chi phí vay cao và giá thuê sụt giảm mạnh. Một số chủ nợ đã kiện các thành viên gia đình Tang vì chưa thanh toán các khoản vay.

Các thương hiệu xa xỉ vẫn chưa hoàn toàn rời bỏ Hồng Kông. Thành phố này vẫn có nhiều cá nhân giàu có, dù tài sản của họ đã bị ảnh hưởng. Những chủ sở hữu các trung tâm thương mại lớn đang tích cực thu hút các thương hiệu, cung cấp các điều kiện thuê linh hoạt hơn so với các cửa hàng mặt phố.

Tuy nhiên, ông Angelito Perez Tan, Jr, đồng sáng lập kiêm CEO của RTG Group Asia, cho rằng việc mở rộng quy mô cửa hàng có thể là một chiến lược mạo hiểm trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và giá thuê vẫn cao. Ông Tan nhận định: "Diện tích lớn hơn đồng nghĩa với giá thuê cao hơn, điều này có thể là một bất lợi lớn trong môi trường bán lẻ hiện tại."

Chính quyền địa phương cũng nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng và du lịch thông qua các sự kiện lớn như hội nghị, triển lãm và lễ hội. Hơn 100 sự kiện đã được lên kế hoạch cho nửa cuối năm, với khoản đầu tư 1,1 tỷ đô la Hồng Kông để kích cầu du lịch. Lãnh đạo thành phố John Lee còn kêu gọi người dân mỉm cười nhiều hơn để tạo cảm giác thân thiện với du khách.

Từng có giá thuê cao nhất thế giới, TTTM xa xỉ của tỷ phú giàu nhất Hồng Kông trống rỗng vì khách đại lục cạn tiền - ảnh 3
Doanh số bán lẻ của Hồng Kông giảm vào tháng 7,khi người tiêu dùng đi du lịch nước ngoài vào kỳ nghỉ hè.

Tại Trung Quốc, triển vọng tiêu dùng cũng không mấy khả quan. Doanh số bán lẻ dự kiến chỉ tăng 4% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo 4,5% trước đó. Đây sẽ là mức tăng thấp nhất, ngoại trừ những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, kể từ khi có số liệu vào năm 1999. Thậm chí, những nhà bán lẻ giá rẻ tại Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn, thể hiện sự suy thoái sâu sắc trong hành vi tiêu dùng.

Cuối tháng 8, cổ phiếu của nhà bán lẻ trực tuyến PDD Holdings, với 2 nền tảng TMĐT Pinduoduo và Temu lao dốc gần 30%. Sự suy giảm này là cú sốc mới nhất trong chuỗi những vấn đề đang làm gia tăng lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.

Nongfu Spring, nhà sản xuất nước đóng chai lớn nhất Trung Quốc, báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận nửa năm chậm nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2020. Thương hiệu nhà hàng nổi tiếng Din Tai Fung cũng phải đóng cửa hơn một chục chi nhánh.

Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực trong nội bộ thị trường, tâm lý “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng Trung Quốc đã làm suy yếu triển vọng của các thương hiệu xa xỉ toàn cầu. Giống như Hồng Kông, nhiều công ty đã đặt cược vào Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

LVMH đã khiến thị trường chứng khoán lo lắng khi công bố doanh số giảm 14% tại khu vực bao gồm Trung Quốc trong quý vừa qua. Burberry và Hugo Boss cũng đưa ra cảnh báo về lợi nhuận, trong khi Richemont, công ty sở hữu Cartier và Van Cleef & Arpels, cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 27% trong quý trước, và doanh số đồng hồ giảm 13%. L'Oreal báo cáo mức doanh số giảm liên tiếp trong bốn quý tại Bắc Á, khu vực chiếm khoảng một phần tư tổng doanh thu của công ty.

Tan từ RTG Group Asia nhận xét: “Việc quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất khiến ngành hàng xa xỉ dễ bị tổn thương, và điều này đang thể hiện rõ qua sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng hiện nay.”

Tại Hồng Kông, sự suy thoái tiếp tục kéo dài khi nhu cầu tiêu dùng giảm sút, đưa các trung tâm mua sắm trở lại trạng thái như trước thời kỳ bùng nổ của Trung Quốc. Số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 7 giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số bán trang sức và đồng hồ giảm tới 25%.

Theo Business Times

>> Khủng hoảng BĐS Hồng Kông nhìn từ những tòa nhà bị bỏ trống của tỷ phú Lý Gia Thành

Chi hàng chục tỷ USD, Trung Quốc sẽ đẩy thế giới vào khủng hoảng thừa chip thế hệ cũ?

Trung Quốc: Các tỉnh thành tăng phạt để bù đắp thiếu hụt ngân sách vì khủng hoảng BĐS, thu về hơn 50 tỷ USD

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tung-co-gia-thue-cao-nhat-the-gioi-tttm-xa-xi-cua-ty-phu-giau-nhat-hong-kong-trong-rong-vi-khach-dai-luc-can-tien-126368.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Từng có giá thuê cao nhất thế giới, TTTM xa xỉ của tỷ phú giàu nhất Hồng Kông trống rỗng vì khách đại lục cạn tiền
POWERED BY ONECMS & INTECH