Vị luật sư Việt Nam xác lập kỷ lục tại Pháp khi nhận 2 bằng tiến sĩ nhà nước ở tuổi 23, từng được Bác Hồ mời tham gia nhiệm vụ đặc biệt
Ông từng làm PGĐ của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhiều chức vụ quan trọng khác trong ngành luật nước nhà.
Chàng trai Việt tạo ‘kỳ tích’ trên đất Pháp
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/9/1909 tại phố Hàng Đào, có gốc ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Sau khi xuất sắc tốt nghiệp tú tài triết học tại trường Albert Sarraut (Hà Nội). Năm 1927, ông được cấp học bổng để sang Pháp học tại Đại học Montpellier, một ngôi trường có truyền thống lâu đời.
Tại đây, Nguyễn Mạnh Tường theo học ban Văn và trong vòng ba năm, ông đã tạo nên một chuỗi thành tích ấn tượng khi lần lượt đạt các bằng: Cao đẳng Văn chương, Cao đẳng Cổ văn Hy-La, cử nhân Văn khoa, cử nhân Luật khoa, Cao đẳng Ngôn ngữ và Văn tự cổ điển. Những thành tựu này đã khiến nhiều thầy trò người Pháp ngạc nhiên trước tài năng của ông.
Năm 1932, khi mới 23 tuổi, ông bảo vệ thành công hai luận án tiến sĩ ở hai ngành khác nhau. Cho đến hiện tại, ở cả Việt Nam và Pháp vẫn chưa có ai đạt được thành tích tương tự ở độ tuổi đó. Hơn nữa, cả hai bằng tiến sĩ này đều là bằng tiến sĩ quốc gia (docteur d’État) – một loại bằng được đánh giá cao hơn và có giá trị hơn so với bằng tiến sĩ ngày nay (docteur nouveau).
Đáng chú ý, vào ngày 28/5/1932, lễ bảo vệ luận án tiến sĩ Luật của ông với đề tài Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam, Tổng luận về luật nhà Lê đã thu hút rất nhiều người tham dự. Sự kiện này được đánh giá là một cột mốc quan trọng làm rạng danh Đại học Montpellier.
Thật khó tin, nhưng chỉ hai tháng sau khi hoàn thành chương trình học trước đó, ông Nguyễn Mạnh Tường lại tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn chương với đề tài "Luận án giá trị Kịch Alfret de Musset", kèm theo một bản phụ lục mang tên "Nước An Nam trong văn học Pháp của Jules Boissière". Sự kiện này khiến ông trở thành một hiện tượng “có một không hai” trong lịch sử khoa cử của cả Việt Nam và Pháp.
Sức học phi thường của Nguyễn Mạnh Tường không chỉ bắt nguồn từ trí tuệ thông minh mà còn từ quá trình khổ luyện. Trong suốt thời gian từ lớp 6 đến kỳ thi Tú tài, ông duy trì thói quen đọc hai cuốn tiểu thuyết Pháp mỗi tuần, điều này góp phần đáng kể vào thành tựu học vấn của ông.
Sau khi về nước vào tháng 9/1932, ông tiếp tục sang Pháp và trong ba năm tiếp theo, ông đã chu du khắp châu Âu và châu Phi bằng học bổng nghiên cứu. Trong quãng thời gian này, ông viết một số tác phẩm, nổi bật là cuốn Sourire et larme d'une jeunesse (Nụ cười và giọt lệ của một tuổi thanh niên), phản ánh nỗi tủi cực mà thanh niên các nước thuộc địa phải đối mặt trên con đường học vấn, cùng với một tác phẩm khác ca ngợi tình yêu.
Đến sau này vào năm 1989, Nguyễn Mạnh Tường có dịp quay lại Pháp. Hiệu trưởng của Trường Đại học Paris VII - nơi trước đây ông từng theo học đã chào đón vị cựu sinh viên bằng một lời phát biểu đầy ấn tượng: “Đã 60 năm qua, trên đất nước Pháp này, chưa có một sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư kính mến: hai bằng tiến sĩ nhà nước ở tuổi 23”. Hiệu trưởng cũng trân trọng mời Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ với sinh viên nhà trường về phương pháp học tập của ông trong suốt một ngày.
Từng là luật sư bào chữa cho vua Bảo Đại
Khi trở về nước lần thứ hai vào năm 1936, ông Nguyễn Mạnh Tường được bổ nhiệm làm giáo viên tại Trường Trung học Bảo hộ (còn được gọi là Trường Bưởi), giảng dạy cho lớp đào tạo tú tài bản xứ. Đến năm 1944, do mâu thuẫn với nhà trường thuộc chính quyền thực dân và từ chối tham gia tuyên truyền cho chính sách thu mua lúa hỗ trợ Nhật Bản, ông đã nộp đơn xin rời khỏi ngành giáo dục và trở về mở văn phòng luật sư.
Hai năm sau, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường nhận được lời mời từ Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia vào phái đoàn của Chính phủ để chuẩn bị cho cuộc đàm phán với Pháp tại Đà Lạt. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng gia đình rời Hà Nội lên Việt Bắc và tiếp tục tham gia hoạt động luật sư cho Chính phủ. Đặc biệt, ông đã bào chữa cho cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại), người bị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tố vào năm 1950.
Ngoài ra, ông cũng được lựa chọn làm thành viên phái đoàn Chính phủ tham dự Hội nghị Bảo vệ Hòa bình Thế giới tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 1952 và tại Viên (Áo) vào năm 1953, trong bối cảnh Việt Nam mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Năm 1956, với tư cách Trưởng đoàn Luật gia Việt Nam, ông đã tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới tại Bruxelles (Bỉ).
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường được Chính phủ tin tưởng và giao phó nhiều chức vụ sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Ông từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như: Phó Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Luật sư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới, Ủy ban Đoàn kết Á - Phi của Việt Nam, và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đoàn kết.
Sau đó, ông chuyển công tác về Nhà xuất bản Giáo dục và sau này làm chuyên viên nghiên cứu văn học nước ngoài tại Viện Khoa học Giáo dục. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường chính thức nghỉ hưu vào năm 1970 và qua đời năm 1997, hưởng thọ 88 tuổi.