Doanh nghiệp

Việt Nam áp thuế CBPG tạm thời hơn 37% lên một số sản phẩm tôn mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc: Những doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi lớn?

Huy Hoàng 02/04/2025 13:10

Những doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào như phôi thép hoặc HRC (thép cuộn cán nóng) sẽ là bên hưởng lợi nhất.

Ngày 1/4/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 914/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo đó, mức thuế CBPG tạm thời cao nhất lên tới 37,13% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 15,67% đối với hàng hóa từ Hàn Quốc.

Biện pháp được áp dụng nhằm ngăn chặn làn sóng thép mạ nhập khẩu tăng nhanh, có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá hơn 37% lên tôn mạ: Những doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi lớn?
Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá lên tới 37% đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc

>> Nóng: Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời tới hơn 37% với một số sản phẩm tôn mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc

Cụ thể, Bộ Công Thương nêu đích danh 9 doanh nghiệp xuất khẩu với mức thuế phân hóa rõ rệt. Trong nhóm Trung Quốc, Boxing Hengrui New Material Co., Ltd và Yieh Phui (China) Technomaterial Co., Ltd cùng các công ty thương mại liên quan được áp mức 0%. Ngược lại, các doanh nghiệp như Baosteel Zhanjiang Iron & Steel Co., Ltd, Wuhan Iron & Steel Co., Ltd và công ty thương mại Baosteel Singapore Pte. Ltd chịu mức thuế cao nhất 37,13%.

Với Hàn Quốc, POSCO, KG Dongbu Steel, Dongkuk Coated Metal được miễn thuế, trong khi Hyundai Steel bị áp 13,7% và các doanh nghiệp không hợp tác khác chịu mức thuế 15,67%.

Những doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi từ việc áp thuế tạm thời này?

Việc áp thuế chống bán phá giá lên thép mạ kẽm nhập khẩu là động thái hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, tuy nhiên không phải tất cả doanh nghiệp thép mạ đều được hưởng lợi như nhau. Vậy những doanh nghiệp nào sẽ thực sự hưởng lợi?

Theo ông Trịnh Tiến Anh, Giám đốc kinh doanh thép đặc biệt Shengli tại Việt Nam: Chỉ những doanh nghiệp sản xuất ‘từ thượng nguồn’ mới thực sự hưởng lợi lớn nhất.

Cụ thể, những doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào như phôi thép hoặc HRC (thép cuộn cán nóng) sẽ là bên hưởng lợi. Tại Việt Nam, hiện tại, 2 doanh nghiệp lớn hưởng lợi rõ nhất từ chính sách này là Hòa Phát (HPG) và Formosa Hà Tĩnh - đây là những đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam tự sản xuất được HRC – nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất tôn mạ.

Hòa Phát và Formosa không chỉ tự chủ động được nguồn cung nguyên liệu sản xuất, ít phụ thuộc vào thị trường quốc tế đặc biệt khi giá HRC có nguy cơ tăng do tác động từ thuế CBPG, mà còn hưởng lợi khi nguồn cung từ bên ngoài bị hạn chế. Khi biện pháp áp thuế được áp dụng với các loại thép HRC, các doanh nghiệp trong nước buộc phải quay lại mua HRC nội địa, tức là quay về với nguồn của Formosa và Hòa Phát.

Thậm chí, Hòa Phát còn hưởng lợi lớn hơn Formosa khi sở hữu dây chuyền mạ kẽm, từ đó chủ động hơn trong sản xuất. Sản phẩm tôn mạ kẽm Hòa Phát hiện đang được phân phối trong nước và xuất khẩu, nằm trong hệ sinh thái khép kín gồm: Quặng → gang → phôi thép → HRC → cán nguội → mạ kẽm → tôn thành phẩm. Điều này giúp Hòa Phát tự chủ hoàn toàn nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra, không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn nhập khẩu nào. Trong khi đó, Formosa không sản xuất tôn mạ, mà bán HRC cho các doanh nghiệp trung nguồn như Hoa Sen, Nam Kim.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá hơn 37% lên tôn mạ: Những doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi lớn?
Hòa Phát và Formosa là những đơn vị hưởng lợi lớn nhất nhờ biện pháp áp thuế chống bán phá giá

>> Thuế chống bán phá giá: Vì sao cùng là thép Trung Quốc, có bên vẫn được miễn thuế, có bên bị Bộ Công Thương áp kịch khung hơn 37%?

Những doanh nghiệp sản xuất thép mạ kẽm khác sẽ ra sao?

Tại Việt Nam, những doanh nghiệp sản xuất tôn, thép mạ kẽm còn có Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á (GDA)...

Trên thực tế, cả Hoa Sen, Nam Kim hay Tôn Đông Á đều không tự chủ nguồn nguyên liệu để sản xuất tôn mạ, mà vẫn phụ thuộc vào nguồn HRC nhập. Điều này khiến họ đứng trước nguy cơ chi phí đầu vào tăng nếu giá HRC leo thang, dù được hưởng lợi từ việc giảm cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Báo cáo của Chứng khoán SSI trước đó cũng nhận định rằng, Hòa Phát – doanh nghiệp sản xuất HRC lớn nhất trong nước - sẽ được hưởng lợi nếu thuế CBPG tôn mạ được áp dụng. Dù vậy, các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen, Nam Kim hay Tôn Đông Á vẫn được đánh giá là giảm áp lực cạnh tranh trong nước và có thể duy trì giá bán tốt hơn. Tuy nhiên, do phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp này đến từ xuất khẩu, tác động ròng đến lợi nhuận vẫn sẽ phụ thuộc lớn vào biến động thuế và nhu cầu tại các thị trường quốc tế.

>> Hàn Quốc gia hạn thời gian điều tra chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội có xuất xứ, nhập khẩu từ Việt Nam

Nóng: Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời tới hơn 37% với một số sản phẩm tôn mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc

Nóng: Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng lên tất cả các quốc gia

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-ap-thue-chong-ban-pha-gia-hon-37-len-ton-ma-nhung-doanh-nghiep-nao-thuc-su-huong-loi-lon-285472.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam áp thuế CBPG tạm thời hơn 37% lên một số sản phẩm tôn mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc: Những doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi lớn?
    POWERED BY ONECMS & INTECH