Biến đổi khí hậu gây lạm phát toàn cầu
Ngày 16/8, Giám đốc điều hành (CEO) Quỹ đầu tư Quốc gia Na Uy Norges Bank Investment Management, ông Nicolai Tangen, nhận định việc giảm lạm phát toàn cầu "khá khó khăn" bởi áp lực tăng liên tục do biến đổi khí hậu và xu hướng thị trường toàn cầu.
CEO Tangen nêu rõ chi phí sản xuất đang tăng lên trong bối cảnh toàn cầu thúc đẩy xu hướng tập trung xây dựng chuỗi giá trị với các quốc gia lân cận về mặt địa lý (nearshoring) để từ đó hàng hóa sản xuất ra dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng.
Ngoài xu hướng này, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực, thực phẩm tăng cao, từ đó làm tăng lạm phát. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải chật vật để kiềm chế lạm phát bất chấp nhiều lần tăng lãi suất kể từ sau khi kết thúc đại dịch COVID-19.
CEO Tangen cho biết thêm rằng biến đổi khí hậu cũng đang tác động tiêu cực đến năng suất lao động. Đơn cử như mùa Hè tại châu Âu năm nay nóng đến mức không một nông dân nào có thể làm việc vào giữa trưa. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng làm sụt giảm lượng khách du lịch, từ đó khiến nhiều cửa hàng không có khách, dẫn tới hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa.
Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), với các đợt nắng nóng gay gắt và hỏa hoạn xảy ra trên khắp thế giới, tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từ trước tới nay trên Trái Đất .
Các thông tin trên được đưa ra tại thời điểm CEO của Norges Bank Investment Management đang báo cáo kết quả hoạt động nửa năm lên Quỹ Hưu trí Chính phủ Toàn cầu - quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với tổng giá trị 15.300 tỷ kroner (1.460 tỷ USD) tính đến cuối tháng 6 năm nay. Một trong những ưu tiên chính của quỹ này là ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là tiêu chí mà quỹ đặt ra đối với các công ty mà họ rót vốn đầu tư.
Những siêu bão ‘đổ bộ’ càn quét thế giới trong năm 2024 và hồi chuông cảnh báo biến đổi khí hậu
Là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, tại sao Trung Quốc không cần đóng góp quỹ khí hậu toàn cầu?