Dự án siêu cảng mất 10 năm vẫn chưa được khởi công, Trung Quốc đứng ra đầu tư hơn 3 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ, sau 2 năm đã hoàn thành 40%
Cảng Chancay ở Peru đang được xây dựng với sự đầu tư của Trung Quốc, nhằm tạo ra một cầu nối kinh tế giữa Nam Mỹ và châu Á.
Cuộc sống ở thị trấn đánh cá với dân số khoảng 60.000 người bên bờ biển Thái Bình Dương của Peru sắp thay đổi. Thị trấn nhỏ này đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ khi chuẩn bị thành nơi xây dựng một siêu cảng thương mại và khu công nghiệp khổng lồ.
Một cảng nước sâu khổng lồ dành cho tàu container đang được xây dựng tại đây, cách Lima khoảng 72km về phía bắc và được tài trợ phần lớn bởi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Peru.
Dự kiến sau khi hoàn thành, cảng sẽ đón những con tàu chở hàng lớn nhất thế giới và đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực, đồng thời định hình lại các tuyến đường vận chuyển toàn cầu.
Cảng Chancay có tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD, được sở hữu 60% bởi tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc Cosco thuộc sở hữu nhà nước - một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới và 40% thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ Volcan của Peru.
Theo NBC News, tổng số nhân sự làm việc tại công trình này là khoảng 2.200 người. Công ty hy vọng giai đoạn đầu tiên của siêu cảng – một phần trong sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường – sẽ hoàn thành vào thời điểm nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Peru dự hội nghị APEC tiếp theo vào cuối năm 2024.
Bộ trưởng thương mại Peru, Juan Carlos Mathews, kì vọng cảng Chancay sẽ giảm thời gian vận chuyển từ Nam Mỹ đến châu Á, từ hiện tại là 35 ngày xuống còn 20 ngày. Qua đó giúp Peru tăng tính cạnh tranh hơn trong hoạt động thương mại và giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu trong khu vực.
NBC cho biết dự án được chính phủ Peru lên kế hoạch từ khoảng 10 năm trước nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu và cạnh tranh với những cảng khác trên bờ biển Thái Bình Dường của khu vực Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, phải đến gần đây, khi Cosco quyết định đầu tư 3,6 tỷ USD thì dự án mới thực sự được triển khai toàn diện. Việc xây dựng được đẩy nhanh từ năm 2021 và đến nay đã thực hiện được 40% tiến độ.
NBC đưa tin rằng các quan chức Mỹ đã nêu lên mối lo ngại rằng việc đầu tư của Trung Quốc vào cảng này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Peru, khi Trung Quốc được cho là có mục tiêu phát triển thành một "siêu cường hàng hải".
Công ty xây dựng cảng đã bác bỏ những lo ngại này, nhấn mạnh công trình chỉ dành cho mục đích thương mại và không có kế hoạch sử dụng cho mục đích quân sự.
Nhưng không chỉ Mỹ, nhiều cư dân Chancay cũng lo lắng rằng dự án này có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường và kinh tế địa phương, đồng thời thể hiện sự không hài lòng vì họ có rất ít tiếng nói trong dự án trị giá 3,6 tỷ USD này.
Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Peru, bao gồm cả cảng biển và các mỏ khoáng sản. Mặc dù sự đầu tư giúp mang lại cơ hội phát triển kinh tế, nhưng cũng gây ra những thử thách về sự phụ thuộc và kiểm soát của quốc gia này.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Mathews cho biết Peru sẵn sàng đón nhận đầu tư từ các khu vực khác nhau trên thế giới chứ không chỉ mỗi Trung Quốc.
Ông nói: “Chúng tôi không bán mình cho Trung Quốc mà chúng tôi đang phát triển mối quan hệ với họ”.
Dự án cảng Chancay tuy mang lại cơ hội phát triển kinh tế và vận chuyển toàn cầu, nhưng cũng gây ra lo ngại về tác động kinh tế và môi trường. Các quan chức và cư dân địa phương đang cùng nhau tìm giải pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực.
>> Quốc gia Tây Phi “lột xác” nhờ hàng loạt siêu dự án tỷ đô của Trung Quốc
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có chuyển động mới
Thủ tướng cân nhắc phê duyệt siêu dự án cảng trung chuyển hơn 113.000 tỷ đồng tại TP. HCM