Hầm đường bộ gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam: Công trình kỳ tích của người Việt xây dựng, rút ngắn thời gian qua con đèo hiểm trở chỉ còn 6 phút
Đây là hầm đường bộ dài thứ 3 ở Việt Nam, sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28km) và hầm Đèo Cả (dài hơn 4km).
Được khởi công từ tháng 9/2015, thông xe vào sáng 21/1/2019, hầm đường bộ Cù Mông có tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn tiết giảm của dự án hầm Đèo Cả, theo hình thức BOT do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Đây là tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam và cũng là tuyến hầm cuối cùng trong dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả, bao gồm: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2.
Hầm Cù Mông được thông xe vào cuối năm 2019. Ảnh: Zing.vn |
Hầm có điểm đầu tại KM1239+119 QL1 (Bình Định), điểm cuối tại KM1247+739 QL1 (Phú Yên). Chiều dài hầm 2.600m, chiều dài đường dẫn 4.020m, trên tuyến có 2 cầu với tổng chiều dài 36m.
Thay vì mất 30 phút di chuyển trên những cung đường uốn lượn dốc cao nguy hiểm, bây giờ các phương tiện chỉ cần khoảng 6 phút để qua đèo.
Đường dẫn vào hầm Cù Mông. Ảnh: Internet |
Công trình đặc biệt bởi hoàn toàn do người Việt xây dựng. Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng phương pháp đào hầm của Áo, được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, đã từng đảm nhận xây dựng thành công hầm Đèo Cả, Cổ Mã trước đây.
Khu vực thi công đèo Cù Mông rất phức tạp và để tránh những đới đứt gãy địa chất lớn, các chuyên gia, kỹ sư buộc phải thi công theo đường cong vòng cung nhằm giảm thiểu hiện tượng sụt trượt đất, đá. Lực lượng cứu hộ, phòng cháy chữa cháy thay phiên nhau túc trực 24/24h đảm bảo an toàn.
Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 là năm đầu tiên công trình hầm Cù Mông đưa vào khai thác nên hàng trăm kỹ sư, công nhân thi công ngày đêm trên công trường.
Hầm này được thực hiện hoàn toàn bởi người Việt Nam. Ảnh: Internet |
Không chỉ chú trọng về mặt an toàn, tiện lợi cho các phương tiện khi qua hầm, chủ đầu tư còn rất chú trọng trong việc tạo cảnh quan phù hợp với văn hóa, lịch sử, tạo điểm nhấn cho khu vực trước cửa hầm nên đã phát động cuộc thi thiết kế. Cửa hầm thiết kế sinh thái, thân thiện với môi trường với tiểu cảnh, cây cỏ hoa lá tự nhiên.
Sau khánh thành, hầm Cù Mông là hầm đường bộ dài thứ 3 ở Việt Nam, sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28km) và hầm Đèo Cả (dài hơn 4km). Công trình hoàn thành đưa vào khai thác góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ.