Cao tốc hơn 11.000 tỷ nối cửa khẩu quốc tế lớn nhất Việt Nam do liên danh Đèo Cả thực hiện dự kiến về đích trước 6 tháng
Dự án đang được đẩy nhanh thi công để đáp ứng yêu cầu hết sức ý nghĩa của Thủ tướng Chính phủ thông tuyến trên lớp bê tông nhựa vào cuối năm 2025, góp phần hoàn thành mục tiêu thống tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng, tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực biên giới phía Bắc với hệ thống giao thông cao tốc quốc gia, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Với tổng chiều dài 59,87km, dự án đi qua huyện Chi Lăng, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn và huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn), được kỳ vọng có thể thông tuyến sớm hơn 6 tháng.

Dự án được khởi công vào tháng 4/2024, do liên danh nhà đầu tư gồm Công ty CP Xây dựng Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Xây dựng công trình 568 và Công ty CP Lizen thực hiện. Ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư 11.024 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm 5.495 tỷ đồng, còn lại do nhà đầu tư thu xếp (5.529 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn dự kiến là hơn 25 năm.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 28/4/2024 của HĐND tỉnh Lạng Sơn, dự án đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ lên 11.899 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn nhà nước tăng lên 68,91% (tương đương 8.200 tỷ đồng), còn vốn nhà đầu tư giảm còn 3.699 tỷ đồng (31,09%).
Tại buổi kiểm tra thực địa ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cùng lãnh đạo các Sở, ngành, huyện, thành phố và đại diện nhà đầu tư đã đánh giá cao tinh thần thi công khẩn trương của các đơn vị. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu đã huy động hơn 2.100 nhân sự và 863 thiết bị máy móc, tổ chức 89 mũi thi công trải đều dọc tuyến, tập trung vào công tác đào đắp, xây dựng cống thoát nước và cầu.
> > Tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp khởi công xây dựng 2 KCN, quy mô gần 2.000ha

Công tác giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh với phần diện tích theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 5/2024. Liên danh nhà đầu tư cũng đã chủ động làm việc với các trường cao đẳng nghề như Giao thông vận tải Trung ương 1 và 4 để bổ sung lực lượng lao động kỹ thuật, đặc biệt là đội ngũ lái máy và vận hành thiết bị.
Ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả – cho biết, theo kế hoạch ban đầu, công tác thảm nhựa chỉ bắt đầu từ tháng 6/2026. Tuy nhiên, dự án đang được đẩy nhanh thi công để đáp ứng yêu cầu hết sức ý nghĩa của Thủ tướng Chính phủ thông tuyến trên lớp bê tông nhựa vào cuối năm 2025, góp phần hoàn thành mục tiêu thống tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau, các nhà thầu đã tăng cường ca kíp, đầu tư thêm thiết bị và điều chỉnh biện pháp thi công để rút ngắn thời gian triển khai.
"Chúng tôi đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp và quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, thậm chí vượt kế hoạch", ông Đông nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu huy động lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ thi công các công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Văn Lịch – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân khu 1 – lực lượng hiện đang phải tập trung thi công nhiều công trình quốc phòng, nên thiếu nhân sự tay nghề cao cũng như thiết bị để tham gia dự án Hữu Nghị – Chi Lăng.
Phía nhà đầu tư khẳng định, nếu được hỗ trợ, họ sẽ bảo đảm đầy đủ điều kiện làm việc, sinh hoạt, chế độ và an toàn lao động cho lực lượng quân đội theo đúng quy định hiện hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đề nghị Quân khu 1 rà soát khả năng của các đơn vị, chủ động đăng ký với tỉnh và nhà đầu tư để phối hợp triển khai khi đủ điều kiện.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là một trong những cửa khẩu đường bộ lớn nhất của Việt Nam, với diện tích quy hoạch lên tới 124ha, trong đó khu trung tâm rộng 26,5ha. Đây là điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc và các nước ASEAN. Khi hoàn thành, cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng sẽ kết nối trực tiếp tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, rút ngắn thời gian di chuyển và nâng cao năng lực thông thương của khu vực.
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế vùng Đông Bắc, đặc biệt là Lạng Sơn, đồng thời góp phần hoàn thiện hành lang cao tốc xuyên suốt từ Cao Bằng đến Cà Mau – trục giao thông chiến lược quốc gia của Việt Nam.
Đề xuất đầu tư 44.355 tỷ đồng làm cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum qua Măng Đen
Đầu tư cầu cạn cao tốc tại ĐBSCL ước tính hơn 450 tỷ đồng/km