Sau khi trúng đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm, các doanh nghiệp nếu không thanh toán các khoản tiền đã quy định đúng hạn thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Theo Điểm b Khoản 2 Điều 48 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, người trúng đấu giá còn có các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và theo quy định của pháp luật (quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 48 Luật Đấu giá tài sản năm 2016)
Theo Điểm d Khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2018, 2019, 2020), trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp cá nhân, tổ chức đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau đó không có tiền thanh toán cho Nhà nước theo quy định thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài việc bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thì họ còn mất khoản tiền cọc đặt trước theo quy định tại Điểm đ Khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản năm 2016; các hậu quả pháp lý khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, quy chế cuộc đấu giá…
Đồng thời, căn cứ Điều 51 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, đối với việc từ chối kết quả trúng đấu giá sẽ xử lý như sau:
- Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.
- Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành.
- Trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức đặt giá xuống, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá thì cuộc đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người từ chối kết quả trúng đấu giá. Trường hợp không có người đấu giá tiếp thì cuộc đấu giá không thành.
Vừa qua, đã có 4 doanh nghiệp đấu giá thành công 4 lô “đất vàng” Thủ Thiêm. Các doanh nghiệp đều phải nộp khoản tiền đặt trước từ 115,6 tỷ đồng đến hơn 580 tỷ đồng.
Theo quy định, trong 5 ngày làm việc kể từ buổi đấu giá, bốn doanh nghiệp nói trên phải ký hợp đồng mua bán tài sản với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Sau thời hạn này, nếu bên trúng đấu giá không thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sẽ bị mất tiền đã nộp để tham gia đấu giá, theo quy định là 20% giá khởi điểm lô đất.
Trong 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. 60 ngày tiếp theo, bên trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Nếu bên trúng đấu giá chậm thanh toán, sẽ bị phạt chậm nộp theo quy định quản lý thuế.
Trường hợp quá 180 ngày kể từ thời điểm ký thông báo thuế, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ được xem là vi phạm hợp đồng. Các cơ quan chức năng sẽ báo cáo và trình UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.