Luật Đất đai 2024 dự sẽ tạo nên cú hích lớn cho thị trường BĐS
Được đánh giá là bước tiến mới trong việc hoàn thiện thể chế, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS phát triển minh bạch và bền vững hơn.
Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai
Một trong những điểm nổi bật nhất của Luật Đất đai 2024 chính là nội dung đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA).
Quy định mới này giúp cho các nhà đầu tư có năng lực có thể tiếp cận đất đai một cách minh bạch, công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đất thu hồi, không làm thất thu ngân sách của Nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai.
Luật Đất đai 2024 cũng đã bổ sung đầy đủ các chính sách về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đất ở cho đối tượng đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn nhằm góp phần đảm bảo thực hiện quyền có chỗ ở của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Ngoài ra, việc bổ sung quy định về "tách thửa đất, hợp thửa đất" tại Điều 220 của Luật Đất đai 2024 được cho sẽ đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người sử dụng đất.
Đặc biệt, quy định này sẽ giải quyết được nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình được tách thửa đất ở hoặc tách thửa đất kết hợp với chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và theo quy hoạch sử dụng đất, làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo ra giá trị gia tăng từ đất (chênh lệch địa tô), góp phần tăng doanh thu cho ngân sách Nhà nước.
Tạo môi trường thúc đẩy BĐS phát triển
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - ông Đoàn Văn Bình cho rằng, Luật Đất đai 2024 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Lý giải điều này, ông Bình cho rằng do khi nhu cầu đầu tư vào BĐS tăng sẽ kéo theo nguồn vốn vào thị trường BĐS trong nước tăng theo.
Mặt khác, việc thị trường BĐS phát triển cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác như xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm, vật liệu xây dựng...
Trong một thống kê cho thấy trong số 148 dự án BĐS "gặp khó" trên địa bàn TP. HCM, có đến 70% dự án vướng mắc về mặt pháp lý.
Việc Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 chính thức có hiệu lực từ 1/8 không chỉ đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của người dân mà còn tác động tích cực cũng như thức đẩy tiến trình phục hồi và phát triển của thị trường BĐS.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS sẽ phục hồi rõ nét vào cuối năm 2024 và trở lại bình thường vào giữa năm 2025.
Mặc dù vậy, để thị trường BĐS thoát khỏi "bong bóng, đóng băng" thì các chủ đầu tư vẫn cần tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhận thức rõ những mặt yếu kém trong công tác quản lý cũng như vận hành doanh nghiệp; trong đó đặc biệt là cách quản lý về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, huy động vốn... giúp tạo lực để thị trường BĐS phát triển một cách bền vững.
Các chuyên gia đặt ra kỳ vọng lớn rằng sau khi Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan chính thức thi hành sẽ mang đến một bức tranh sôi động đối với thị trường BĐS.
>> Chi hơn 6.400 tỷ, TP. HCM 'biến' vùng đầm lầy giữa lòng Thủ Thiêm thành công viên lớn thứ 3 TP